Áp dụng công nghệ chống hạn bền vững
08:36 - 30/03/2016
Ngày 29/3, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ chống hạn và phát triển bền vững cà phê, điều, hồ tiêu vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm một số mô hình hiệu quả ở Đăk Lăk


Tại hội thảo lần này, hàng chục loại cây giống, mô hình tưới nước “siêu” tiết kiệm được quảng bá.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đem đến các loại giống cây trồng như giống lúa thơm MNL 151 cho khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Đây là giống lúa có thể đạt sản lượng từ 5-8 tấn/ha; đặc biệt giống này có thể chống chịu đạo ôn, rầy nâu, ít nhiễm bạc lá, chịu phèn trung bình. Giống điều TL 2/11 cũng được giới thiệu. Giống điều này có đặc điểm là thấp cây, lá hơi xoắn, phát cành mạnh…; năng suất 2.000-2.500 kg/ha. Đây là giống điều được cho là phù hợp với đồng đất Tây Nguyên, Nam Trung bộ.
 

Tại hội thảo, phân bón hữu cơ sinh học phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu và tuyến trùng gây vàng lá, thối rễ trên cây cà phê cũng đã được giới thiệu với nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn…

Đặc biệt, trong bối cảnh hạn hán khốc liệt đang diễn ra ở Tây Nguyên và một số tỉnh thành khác, hội thảo đã mang đến nhiều mô hình tưới nước “siêu” tiết kiệm.

Công ty CP công nghệ tưới Khang Thịnh giới thiệu hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cà phê, tiêu. Đại diện của công ty này cho biết, với công nghệ được nhập từ Israel sẽ tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm 40% lượng phân bón, tăng năng suất, chế độ bảo hành lên đến 15 năm…
 

Tuy nhiên, giá thành tương đối cao, ít hộ nông dân dám "mơ” đến. Được biết, chi phí để lắp đặt hệ thống tưới này phải đầu tư mất hơn 60 triệu/ha. Trong bối cảnh giá cà phê đang "lao dốc không phanh" như hiện nay, việc thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm không phải chuyện một sớm một chiều.

Tại huyện Cư M’Ga (Đăk Lăk) có 4 hộ dân của HTX Cà phê Công Bằng ở Cư Đliê M’nông và xã Ea Kiết đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới này. Tất nhiên, họ được Hiệp hội HTX Cà phê Công Bằng đầu tư một nửa chi phí.
 

Ông Hồ Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Cư Sê (Gia Lai) nhận định: Việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, xét từ kinh nghiệm thực tế cho thấy tưới nước truyền thống chỉ tiết kiệm được chi phí ban đầu, về lâu dài cần sử dụng công nghệ để đạt năng suất cao hơn.

18-53-15_thu-truong-le-quoc-donh-tro-doi-ti-mo-hinh-phong-tru-benh-chet-nhnh-chet-chm-cy-ho-tieu

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao đổi tại mô hình phòng trừ bệnh chết nhanh chết chậm cây hồ tiêu

Tiến sỹ Lê Ngọc Báu: "Về lâu dài, tôi nghĩ những biện pháp phát triển bền vững cây công nghiệp phải phát triển một cách cơ bản hơn. Thí dụ, về mặt công trình, phải có những công trình chứa nước khi mà lượng nước mưa ở Tây Nguyên khá lớn, từ 1.800-2.000 mm/năm. Cây cà phê chỉ cần tưới 1.500-1.800m3/ha, tương đương mưa 150mm thì chúng ta thừa nước tưới... Nếu có nhiều hồ đập nhỏ, hồ đập treo thì sẽ tạo tiểu khí hậu thích hợp, sẽ cải thiện được nguồn nước ngầm...".

Theo ông Bính thì: “Vì chưa làm mô hình tưới nước hiện đại nên chưa thể kiểm chứng được giá trị, năng suất của cây trồng. Từ thực tế và kinh nghiệm, tưới nước theo kiểu phun mưa cây mới có năng suất, bởi khi có nước tưới sẽ giúp bung hoa, hoa sẽ nhanh được thụ phấn. Còn tưới rỉ dưới lòng đất chưa biết hiệu quả như thế nào”.
 

Còn đại diện Hiệp hội Cà phê tỉnh Đăk Lăk cho biết, cái khó khăn nhất hiện nay của người dân là vốn, mới tiếp cận được công nghệ tưới hiện đại.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tập trung cho hai ngành chính là lúa gạo ở ĐBSCL và cây cà phê ở Tây Nguyên đã được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Nguồn vốn được phê duyệt khoảng 95 triệu USD, trong đó sẽ sử dụng một phần cho tưới nước siêu tiết kiệm.
 

Trước đó, ngày 2/3, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đi thăm một số mô hình canh tác bền vững trên cây cà phê và hồ tiêu ở tỉnh Đăk Lăk. Tại các mô hình này, Thứ trưởng rất phấn khởi khi thấy bà con nông dân đã kịp thời tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kể cả công nghệ cao, tưới tiết kiệm. Việc áp dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm trên những vườn cà phê, hồ tiêu bước đầu đã đem đến những kết quả khả quan.
 

Tiến sỹ Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt là công nghệ tưới được đánh giá có hiệu quả nhất trên thế giới.

18-53-15_trong-tieu-cho-thu-nhp-tu-800-treu-1-ty-dong

Trồng tiêu cho thu nhập từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/năm

Đây là một hệ thống đường ống dẫn từ đường nước tưới qua cây. Đặc biệt hệ thống tưới này cho phép kết hợp bón phân qua nước tưới. Như vậy, nước và phân bón được cung cấp trực tiếp và thường xuyên tới từng gốc cây trồng...

Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong đông đảo nông dân ở đây. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: "Chúng ta cũng phải có những chính sách cụ thể, nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng kỹ thuật mới này một cách nhanh hơn và rộng khắp hơn".

Trần Đăng Lâm
Nguồn: Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn