|
Ảnh minh họa |
Nắng hạn gay gắt đã khiến cho diện tích thiếu nước, hạn hán ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ lên mức cao nhất - 95.000 ha. Trong đó Đăk Lăk hơn 60.000 ha, mất trắng 4.300 ha cùng 19.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hạn còn lan rộng đến tận Tây Nam Bộ, gây ra tình trạng thiếu nước cho lúa ở các địa phương như Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu với diện tích gần 20.000 ha.
Tại Nghệ An, nắng hạn kéo dài kèm theo gió phơn Tây Nam khiến đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An mực nước xuống thấp đến mức báo động, hầu hết các hồ chứa chỉ còn 20% dung tích thiết kế, nước trên các sông suối cũng cạn kiệt. Các trạm bơm dọc sông Lam của các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn đều ngừng hoạt động vì thiếu nước.
Toàn tỉnh Nghệ An có 30% diện tích (khoảng 15.000ha) lúa hè thu bị thiếu nước không thể gieo cấy. Trong số 42.440 ha lúa hè thu đã gieo cấy có khoảng 4.500ha mất trắng, huyện Nam Đàn bị thiệt hại nặng nhất (1.500 ha), Yên Thành 1.200 ha, Hưng Nguyên 500 ha, Đô Lương 400ha. Hơn 2.500 ha ngô bị cháy khô; gần 2.000 ha chè bị cháy lá; hàng trăm hécta rau màu (đậu, vừng) không gieo trồng được, 2/3 diện tích hoa màu chết cháy, số diện tích rau màu vừa trồng cũng đã chết khô vì hạn hán. Hạn hán khốc liệt khiến nguồn nước sinh hoạt tại nhiều khu dân cư bị thiếu trầm trọng. Đã xảy ra 11 vụ cháy rừng thông tại 5 huyện, thiêu trụi 45ha rừng.
Tại huyện Quỳnh Lưu, Vực Mấu là một trong những hồ chứa nước lớn nhất tỉnh cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt. Tại đây, nước dẫn về các mương thủy lợi hầu như ngừng hoạt động vì thiếu nước, thay vào đó các máy bơm dã chiến được lắp đặt.
Tại Bình Định, nắng nóng kéo dài khiến 4.628 ha lúa hè thu bị hạn nặng mất trắng. Địa phương chịu áp lực và tổn thất nhiều nhất là huyện Phù Mỹ: 2.114 ha, Hoài Ân (1.030 ha), Phù Cát (712 ha), Tuy Phước (216 ha), Vĩnh Thạnh (254 ha), Tây Sơn (129 ha)... 7.760 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong đó, nhiều nhất là huyện Hoài Nhơn có 3.860 hộ, Phù Cát 1.150 hộ, Phù Mỹ 940 hộ, thành phố Quy Nhơn 800 hộ… Nhiều công trình cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt trơ đáy. Chi cục Thủy lợi Bình Định cho biết, tổng lượng nước của 161 hồ chỉ còn 286,5 triệu m3, bằng 49% dung tích thiết kế.Ngoài ra, trên 190 tấn sản lượng thủy sản bị thiệt hại do nắng nóng và dịch bệnh, ước trị giá khoảng 8,5 tỷ đồng.
Ngày 9-6-2015, lần đầu tiên tỉnh Ninh Thuận công bố thiên tai trong hơn 20 năm qua, sau gần 18 tháng bị nắng nóng gay gắt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố bị nắng hạn gay gắt kéo dài, trong đó có 4 huyện trong tình trạng khốc liệt. Đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống; hàng trăm ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hàng chục ngàn gia súc thiếu nước uống, trong đó gần 500 con bị chết do suy kiệt; hơn 2.000 ha đất phải tạm ngừng sản xuất…
Đến giữa tháng 6 năm nay, hạn hán kéo dài đã khiến 20 hồ chứa trong tỉnh khô cạn, hiện dung tích nước chỉ còn 14,77 triệu m3, chiếm 7,68% so với tổng dung tích thiết kế 192,21 triệu m3. Hạn hạn đã khiến khoảng 5.500 hộ với hơn 23.100 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt; 1.300 con gia súc có sừng đã chết liên quan đến hạn. 6.100 ha đất lúa không có nước để sản xuất. Diện tích cây trồng vụ đông xuân bị mất trắng 501 ha, diện tích giảm năng suất 1.578 ha…100.000 người dân đã nhận 3.000 tấn gạo cứu đói, nguy cơ tái nghèo cao.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho hay: “Trong 20 năm công tác, tôi cũng chưa bao giờ thấy hạn hán gay gắt đến như vậy ở Ninh Thuận. Trong 2 năm rồi gần như không có mưa, có nơi 4 vụ không gieo cấy, vụ Hè Thu này hơn 10.000ha sẽ tiếp tục không thể gieo cấy được…”.
Trong hơn 2 tháng 4, 5/2015, tỉnh Quảng Bình luôn duy trì nhiệt độ 39-40 độ, có khi lên tới 41 độ. Nắng nóng kéo dài, đã khiến nhiều vùng lâm vào cảnh hạn hán khéo dài chưa hề có trong vòng 100 năm trở lại đây. Các hồ nước với sức chứa hàng chục triệu khối nước đã bốc hơi, các giếng nước cạn trơ đáy, ruộng đồng toang hoác vết nứt, hàng trăm ha đất nông nghiệp không thể canh tác. Do thời tiết nắng nóng nên từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại 12 ha rừng....
Tại Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đập trên địa bàn tỉnh đều đã cạn kiệt, khiến cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Nắng nóng đã khiến người chồng chè Sơn Kim (Hương Sơn- Hà Tĩnh) thiệt hại hàng tỷ đồng khi nhiều diện tích chè bị cháy, héo ngọn, khô cây.
Từ giữa năm 2015 đến nay, vẫn còn một số nơi xảy ra tình trạng hạn hán. Tại Gia Lai, mặc dù thời điểm đầu tháng 8 đang là giữa mùa mưa tại Tây Nguyên, nhưng tại các huyện phía Đông Trường Sơn của tỉnh đang xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ mùa của bà con nông dân. Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ mùa này có gần 10.000 ha đất sản xuất chưa thể xuống giống do thiếu nước tưới. Ngay cả những diện tích gieo trồng sớm cũng đang rơi vào tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Đến giữa tháng 7 năm nay, tỉnh Tuyên Quang có hơn 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do hạn hán, tập trung tại các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang, Yên Sơn và Sơn Dương. Huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã có 500 ha ngô bị thiệt hại. Trong đó, 70 ha thiệt hại từ 30% đến 70% và 428 ha thiệt hại dưới 30%. Các xã bị thiệt hại nhiều nhất gồm Dìn Chin 112 ha, thị trấn Mường Khương 40 ha, xã Bản Xen 40 ha.
Theo đại diện Tổng cục Thủy lợi, tình hình khô hạn kéo dài bất thường chủ yếu là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở các tỉnh khô hạn trên đều thấp hơn trung bình mọi năm. Một số nơi như Khe Sanh (Quảng Trị) chỉ đạt 47 mm, Thạch Hãn (Quảng Trị) 65 mm, Đồng Trăng (Khánh Hòa) 25 mm, Hàm Tân (Bình Thuận) 37 mm. Cá biệt có nơi như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Quý hầu như không mưa.
Sau khi kết thúc tưới nước vụ đông xuân, dung tích trữ nước của các hồ chứa ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Quảng Trị đang ở mức rất thấp và có xu thế giảm dần. Nhiều hồ đã cạn kiệt, không đủ cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích gieo trồng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hạn hán, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, trước hết là do El Nino, năm nay El Nino đang bao chùm khu vực của Việt Nam nên mưa gió rất thất thường và nắng nóng rất cực đoan.
Về giải pháp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Chúng ta phải tính những bài toán căn cơ trước mắt và lâu dài. Ở Ninh Thuận cho thấy, hồ Sông Trâu, Sông Sắt dung tích 60 triệu m3, nhưng có thể không có nước hoặc có rất ít nước, bởi vì rừng ở trên cũng đã suy kiệt, những nơi nào rừng tốt thì hồ nhỏ cũng có nước, những nơi nào không có rừng, hồ lớn không có nước. Vì thế, nên hai việc xây dựng hồ chứa và bảo vệ phát triển rừng phải đi đôi với nhau”. Bộ trường cũng đồng tình việc hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sang các loại cây trồng chịu hạn như đậu, đỗ, ngô…