Tích cực bảo vệ môi trường biển đảo
10:32 - 29/12/2015
(MTNT) – Hiện nay, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia.

Ảnh minh họa
Biển Việt Nam có diện tích khoảng 3.447.000km2, có độ sâu trung bình -1140m, nơi sâu nhất 5416m, thềm lục địa có độ sâu chưa đến 200m chiếm tới 50%.


Với những lợi ích to lớn của kinh tế biển, góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.Nhưng muốn khai thác tiềm năng của biển theo những mục tiêu chiến lược biển Việt Nam chúng ta phải bảo vệ biển, bởi hiện nay biển đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.


Nước ta đã có gần chục con sông “chết”, điển hình như sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ... Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông mang ra biển như dầu thải, nước thải chưa xử lý, hoá chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, thuốc súng,chất phóng xạ, các chất thải rắn như đất cát, rác, phế thải vật liệu xây dựng đổ ra biển. Có những loại không phân huỷ được đọng lại ở ven bờ, chìm xuống đáy biển, những chất phân huỷ thì hoà tan trong toàn khối nước biển.
Những công trình trên biển ngày càng mọc thêm nhiều.



Sự khan hiếm tài nguyên trên lục địa nên con người đi ra biển để khai khoáng, đóng tàu, khai thác dầu, khí... những hoạt động ấy đều có tác động đến môi trường. Việc gia công xây lắp các công trình giàn khoan, các phương tiện vận chuyển, vật liệu thải loại khi xây lắp công trình tất cả tác động mạnh đến hệ sinh thái biển, chất lượng nước biển, trầm tích biển.


 
Những công trình cảng biển ngày một nhiều thêm. Hầu hết các công trình cảng và hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, như mất các nơi sinh cư do lấy đất xây dựng, ô nhiễm nước, đất, không khí, tiếng ồn trong khu vực cảng và phụ cận. Các công trình sản xuất, nhà máy đóng tàu biển, các công trình đảm bảo du lịch, và rất nhiều các hoạt động khác đều tác động xấu đến môi trường biển.



TheoBộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay có từ 70 đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ lục địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển.


 
 Điển hình như trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng. Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng năm tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m 3 nước thải trong một vụ nuôi.


 
Với tổng diện tích nuôi tôm hiện nay hơn 600 nghìn ha, thì sẽ có gần ba triệu tấn chất thải rắn thải ra mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng, đến nay đã ghi nhận được hơn 40 vụ, điển hình như vụ tai nạn tàu Neptune Aries làm tràn 1.865 tấn dầu (năm 1994) tại cảng Sài Gòn đã gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ…



Để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến biển tại mỗi nước nhằm hướng tới việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững biển, xu hướng chung cho thấy các quốc gia trên thế giới cũng có nhiều nỗ lực, không ngừng xây dựng, triển khai nhiều chính sách, biện pháp, chương trình và kế họach nhằm để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.



Ngoài ra, chúng ta cấn tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển.Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về biển, hệ thống quản lý môi trường biển mới cũng được được xây dựng và phát triển tại nhiều quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, cắt giảm chi phí hành chính, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt được hiệu quả cao trong công tác qui họach phát triển bền vững biển...



Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, nhiều chương trình hành động nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng với các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng đã được triển khai; việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên biển và vùng ven biển, bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm tại các vùng biển cũng tích cực được tiến hành; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải; khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển…cũng được ưu tiên chú trọng ở nhiều nước.



Kể từ khi ra đời đến nay, quản lý tổng hợp đới bờ đã được thừa nhận như là khung quản lý hiệu quả để đạt được phát triển bền vững vùng biển và đới bờ và được triển khai, áp dụng cho nhiều vùng bờ khác nhau trên thế giới với nhiều vấn đề khác nhau.



Quản lý dựa vào hệ sinh thái là một cách tiếp cận quản lý thống nhất chú trọng xem xét toàn bộ hệ sinh thái, các mối liên hệ xuyên suốt trong toàn hệ thống và các ảnh hưởng, tác động tích tụ do các họat động của con người tạo ra. Thực tế, ngay từ rất sớm trong quá trình hình thành và phát triển của khái niệm này, quản lý dựa vào hệ sinh thái đã được áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực phục vụ các mục đích khác nhau.



Trong bối cảnh nhu cầu quản lý và phát triển bền vững môi trường biển ngày càng trở nên cấp thiết, cách tiếp cận quản lý sinh thái được xem là nguyên tắc cơ bản của chính sách biển của nhiều quốc gia hiện nay.Quản lý biển trên cơ sở quy họach, phân vùng không gian biển và đới bờ hiện là xu thế quản lý biển hiện đại được triển khai ở nhiều quốc gia.



Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng khu bảo tồn biển được xây dựng nhằm để bảo vệ và giữ gìn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Theo số liệu thống kê, số lượng khu bảo tồn biển ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu. Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người.



Thực tế cho thấy lâu nay đa số dân cư ở vùng ven biển thường nghèo và sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Để giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, việc chú trọng tăng cường áp dụng các giải pháp dựa vào thị trường trong quản lý tài nguyên đồng thời chú trọng các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển.



Bên cạnh xây dựng các công trình kĩ thuật, cơ sở hạ tầng như xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương để kiểm soát lũ lụt…để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, các giải pháp sinh học, phi công trình như tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển nhằm tạo vùng đệm vững chắc, giúp giảm nhẹ thiệt hại, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân ven biển.Để cộng đồng hiểu rõ và quan tâm hơn đến biển, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển được các nước quan tâm, chú ý đẩy mạnh.



Như vậy, để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam "Trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển", cũng như phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53 đến 55% GDP và từ 55 đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bên cạnh việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống của người dân vùng biển và ven biển, thì việc ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển có một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.



Cho nên, các cấp, ngành có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp yêu cầu quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo; xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể về sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, làm căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển cho từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương; huy động các nguồn vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bao gồm các nguồn vốn như từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa, ODA và các nguồn kinh phí từ cấp phép, phí sử dụng tài nguyên; khẩn trương hoàn thành công tác phân định ranh giới quản lý biển, hải đảo nhằm phân cấp thẩm quyền quản lý biển, hải đảo cho các địa phương ven biển.


 
Hòa Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn