|
Ảnh minh họa |
Nhà tiêu được đánh giá là hợp vệ sinh phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung: Cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc chưa an toàn không thể tiếp xúc với người và động vật; tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (virut, vi khuẩn).
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đến hết tháng 6/2014, trung bình tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh của hộ gia đình nông thôn đạt 61%. Hiện vẫn còn gần 4 triệu người phóng uế bừa bãi và 10,2 triệu người có nhà tiêu hết sức thô sơ.
Theo Cục quản lý môi trường y tế- Bộ Y tế, tuy độ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh ngày càng tăng nhưng tỷ lệ này vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền: 22 tỉnh có tỷ lệ bao phủ nhà tiêu dưới 50% trong đó tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, đặc biệt vẫn còn tới 5% hộ gia đình chưa có nhà tiêu và 12% hộ gia đình sử dụng cầu tiêu ao cá. Điều này có nghĩa là hiện có khoảng 17% hộ gia đình vẫn đang phóng uế bừa bãi ra môi trường. Các hành vi vệ sinh cá nhân còn nghèo nàn, chỉ có 17% người dân rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong những thời điểm cần thiết.
Có một số lý do dẫn đến tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chưa cao, đó là: nhận thức hạn chế của người dân về vệ sinh, thói quen không sử dụng nhà tiêu đã tồn tại từ lâu, khó khăn về nhân lực, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thực hiện chưa tốt, công tác lập kế hoạch triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá còn hạn chế.
Ở Việt Nam, phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh cá nhân kém và thiếu nước sạch ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và điều kiện sống của người dân, nhất là trẻ em. Số trường hợp tử vong liên quan đến điều kiện vệ sinh hạn chế ở Việt Nam lên đến 5.000 mỗi năm.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, các vấn đề về sức khỏe cộng đồng liên quan tới vệ sinh kém vẫn còn phổ biến ở nước ta. Tỷ lệ tử vong do tiêu chảy và viêm phổi chiếm 10% và 12% trong số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta do tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp, khẩu phần ăn kém, bị tiêu chảy nhiều lần, nhiễm giun sán và nhiễm trùng. Các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm giun sán có nguyên nhân chính là do sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh và nước không an toàn. Tổn thất về kinh tế hàng năm mà nguyên nhân do vệ sinh kém gây ra là 777 triệu đô la, tương đương với 9 đô la một đầu người. Vấn đề này đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế và dẫn đến nghèo đói ở một số vùng ở nước ta.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, 50% người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng cầu tiêu ao cá, tận dụng nguồn này để nuôi cá tra; 48% hộ gia đình nghèo dùng chung nhà vệ sinh. Dân cư khu vực này lại có thói quen sử dụng nước trực tiếp không qua đun chín nấu sôi; trẻ em thường xuyên tiếp xúc với môi trường ao hồ, sông nước.
Đây chính là nguyên nhân khiến dịch tay chân miệng tái đi tái lại trong vùng; dịch tiêu chảy cũng luôn rình rập, đe dọa sức khỏe trẻ em. Đỉnh điểm là 300.000 ca tiêu chảy trong năm 2010.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra của vùng cũng bị ảnh hưởng do rộ lên thông tin cá tra Việt Nam được nuôi bằng phân người trực tiếp thải xuống ao. Trong khi thực tế, nguồn cá tra xuất khẩu được nuôi trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngày càng thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa phóng uế bừa bãi với tình trạng thấp còi của trẻ em. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em sống trong các thôn bản chưa có đầy đủ nhà vệ sinh có chiều cao trung bình thấp hơn 3.5cm so với trẻ em dưới 5 tuổi sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh đảm bảo.
Tháng 4/2014, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên Hiệp Quốc đến năm 2025 sẽ xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi và năm 2030 toàn bộ người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh bền vững.
Bộ Y tế được Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ năm 2001 - 2020 qua 4 giai đoạn. Mục tiêu chính của chiến lược này là phấn đấu đến năm 2015 có 100% số hộ gia đình, 100% trường học và Trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bộ Y tế cũng đã nghiên cứu nhiều mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh áp dụng cho các vùng, miền nhằm khuyến khích người dân xây dựng và tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trên phạm vi cả nước.
Để thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên Hiệp Quốc về việc xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi, 100% người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2025, các nhà chính sách phải phối hợp chặt chẽ với truyền thông để tuyên truyền, thay đổi hành vi, thói quen cho người dân nông thôn.
Chương trình Vệ sinh tổng thế (VSTT) do UNICEF và Bộ Y tế thực hiện ở Việt Nam từ năm 2009. Cho tới nay, Chương trình này đã được thực hiện ở hơn 900 bản làng thuộc 7 tỉnh ở Việt Nam. Chương trình đã đến được với 184.000 hộ gia đình ở vùng xâu vùng xa với hơn 220.000 trẻ em. Hơn 125 làng bản với số dân xấp xỉ 125.000 người đã được công nhận Cộng đồng hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình, là kết quả của việc vận động người dân thay đổi hành vi vệ sinh.
Ngân hàng Thế giới cũng sẽ chung tay hỗ trợ người nghèo xây nhà vệ sinh hợp chuẩn. Bên cạnh đó, xây dựng các hình thức xử phạt đủ để răn đe những người có hành vi phóng uế bừa bãi ra môi trường cũng là việc cần làm ngay./.