|
Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn cần thực hiện đồng bộ với các biện pháp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa |
Với diện tích tự nhiên 39.734 km
2, từ lâu ở ĐBSCL đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng Tràm U Minh, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp. Tại đây có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn chim, sân chim tự nhiên... rất hấp dẫn cho du lịch sinh thái. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quan tâm bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL.
ĐBSCL hiện có khoảng 347.500 ha rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là 53.700 ha, rừng trồng là 294.500 ha. Như vậy, diện tích rừng che phủ trong toàn vùng đạt chưa đến 10% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, tổng diện tích rừng ngập mặn (chiếm cứ trên các bãi bồi phù sa ven biển, lưu vực của cửa sông thông ra biển và các đầm trũng nội địa) chưa đến 100.000 ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau (58.285 ha), Bạc Liêu (4.142 ha), Sóc Trăng (2.943 ha), Trà Vinh (8.582 ha), Bến Tre (7.153 ha), Kiên Giang (322 ha), Long An (400 ha)... Vùng rừng ngập mặn này luôn luôn chịu sự chi phối của thủy triều biển. Hệ thực vật rừng ngập mặn phổ biến ở vùng ven biển ĐBSCL là các loài mắm trắng, đước,
Những năm qua, rừng ngập mặn ven biển bị tác động làm suy giảm mạnh mẽ do các nguyên nhân: phá rừng làm ruộng rẫy, phá rừng lấy đất nuôi trồng thủy sản, phá rừng lấy củi, gỗ... Theo số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980-1995 các tỉnh ĐBSCL đã bị mất 72.825 ha rừng, bình quân hàng năm bị mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm. Những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển được các tỉnh trong khu vực quan tâm thực hiện, đặc biệt là dự án trồng 5 triệu ha rừng của quốc gia và các dự án hợp tác quốc tế như: Dự án Phát triển và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; Dự án Khu dự trữ quốc gia U Minh Thượng, Chương trình sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước khu vực sông Mê Công... Tuy nhiên, những tác động tiềm ẩn vẫn đang tiếp tục đe dọa hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL. Tình hình đó đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu trong quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, trong tổ chức khai thác kinh tế tài nguyên gắn liền với phát triển hệ sinh thái đặc thù này để bảo vệ và phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.
Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đang là một trong những yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực ĐBSCL thời gian tới. Để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ này, cần tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản sau đây:
Quy hoạch môi trường trong phát triển KT-XH ở các vùng ven biển, đặc biệt là quy hoạch môi trường cho bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong khu vực. Phân vùng sinh thái trong quy hoạch bảo tồn và phát triển các vùng đất ven biển, trong đó tập trung tiếp cận tổng hợp đa ngành, đa mục tiêu nông-lâm-ngư và bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển KT-XH.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, các dự án trồng mới và tái sinh rừng ngập mặn ven biển; nghiêm cấm bao ví bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản làm hủy hoại diễn thế tự nhiên bồi tụ và phát triển rừng ngập mặn non trẻ. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, các sân chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển có giá trị như là lá chắn bảo vệ môi trường ở ĐBSCL.
Tiếp cận sinh thái để nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ của các thành phần trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là thành phần các loài về đa dạng sinh học, môi trường sống, điều kiện trú ngụ và phát sinh, phát triển của cả quần thể trong hệ sinh thái, để tăng cường các khả năng phát triển nguồn lợi về kinh tế và sinh thái trong khu vực. Đánh giá khả năng tự làm sạch và mức độ chịu tải của hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm tránh các tác động bất lợi đến hệ sinh thái, làm tổn thất các giá trị quý giá của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển trong khu vực ĐBSCL.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp, môi trường trong công tác bảo vệ và phát triển hiệu quả hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển ở khu vực ĐBSCL. Nhà nước cần phải nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác gỗởcác vùng rừng tự nhiên. Mọi hành vi phá rừng bừa bãi phải được xử phạt thích đáng.
Tăng nhanh diện tích phủ xanh của thảm rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, bảo vệ rừng ngập mặn khỏi nạn bị chặt phá làm củi, gỗ, nuôi trồng thủy sản. Theo dõi giám sát chất lượng thảm rừng ngập mặn đã bị suy giảm và các hệ sinh thái rừng ngập mặn để kịp thời xử lý các vấn đề gây tổn thất đến tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên sinh học, đảm bảo cho độ ổn định của hệ sinh thái này.
Cần cấp thiết xây dựng một quy hoạch tổng thể sử dụng các vùng rừng ngập mặn, tiến hành khảo sát và nghiên cứu chi tiết về tình trạng hiện thời của rừng ngập mặn, diện tích ao nuôi tôm, diện tích đất lở, đất bồi ở tất cả các tỉnh ven biển có rừng ngập mặn thông qua ảnh vệ tinh, ảnh máy bay và nghiên cứu thực địa thực hiện bởi cán bộ chuyên môn. Các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho quy hoạch tổng thể sử dụng đất, tài nguyên một cách hợp lý và bền vững ở các vùng ven biển.
Nghiên cứu phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển như nuôi sò, nuôi vạng hoặc các loài cá có giá trị kinh tế cao để dần dần thay thế cho nghề nuôi tôm ở các vùng rừng ngập mặn. Cũng cần thiết phải cải thiện cơ cấu và đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản để đáp ứng nhu cầu khắt khe.
Bên cạnh đó, cần đi đôi giữa việc bảo vệ và phát triển rừng với các biện pháp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội như: chiến lược về giải quyết việc làm với chính sách ưu tiên thu hút lao động dư thừa ở nông thôn (trẻ tuổi, học vấn thấp, không có nghề); đẩy mạnh khai thác tài nguyên du lịch ở các vùng RNM ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia để tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đồng bằng.