Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam còn thấp
14:00 - 25/08/2015
(MTNT)- Đất nông nghiệp là đất được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất  nông nghiệp như trồng  trọt, chăn  nuôi,  nuôi  trồng thuỷ sản hoặc nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp. Đất nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng nó vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt vừa là tư liệu lao động.
Ảnh minh họa

Theo thống kê năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 101.511 km2, đất lâm nghiệp là 153.731 km2, đất nuôi trồng thuỷ sản là 7.120 km2.
 
Việt Nam có 8 vùng đất nông nghiệp gồm: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Mỗi vùng đều có đặc trưng cây trồng rất đa dạng. Trong đó, ĐBSCL chủ yếu là lúa; Tây Nguyên là cà phê, rau, hoa, trà; miền Đông Nam bộ là cao su, mía, bắp, điều…
 
Đất nông nghiệp hiện được chia thành 4 loại: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm (không bao gồm cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm trồng xen, trồng kết hợp), đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất có mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp gồm các loại ao, hồ, sông cụt,... để nuôi trồng các loại thuỷ sản (không tính hồ, kênh, mương, máng thuỷ lợi).
 
Đất nông nghiệp ở nước ta phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ trọng đất nông nghiệp trong tổng diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, chiếm 67,1% diện tích toàn vùng và vùng đất nông nghiệp. Ít nhất là vùng Duyên hải miền Trung. Đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đất tại các vùng nên độ phì và độ màu mỡ của đất nông nghiệp giữa các vùng cũng khác nhau. Đồng bằng Sông Hồng với Đồng bằng Sông Cửu Long đất đai ở hai vùng này được bồi tụ phù sa thường xuyên nên rất màu mỡ, mỗi năm đất phù sa bồi tụ ở Đồng bằng Sông Cửu Long thêm 80m. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phần lớn là đất bazan.
 
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người trên thế giới là 0,52ha, trong khu vực là 0,36ha thì ở Việt Nam là 0,25ha. Sau mỗi hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác.
 
Quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất, Bộ Tài nguyên Môi trường, bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta, đặc biệt năm 2007 giảm 120 nghìn hécta, trong khi mỗi năm số lao động bước ra khỏi ruộng đồng chỉ vào khoảng 400 ngàn người. Hơn nữa, mức gia tăng dân số ở nông thôn không giảm nhiều như mong đợi, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh.
 
Hiện quỹ đất chưa sử dụng có thể tiếp tục khai thác ở nước ta còn không đáng kể. Trong khi đó biến đổi khí hậu có khả năng làm cho diện tích đất có thể sử dụng có nguy cơ bị thu hẹp.
 
Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai đang bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội như diện tích đất ngày càng thu hẹp, quản lý sử dụng kém hiệu quả, mất đất canh tác….
 
Luật Đất đai 2013 đã mở rộng hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất hình thành sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.
 
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Sau 10 năm thi hành Luật, các địa phương đã thu hồi hơn 650.000 ha đất nông nghiệp để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Việc hạn chế thẩm quyền thu hồi đất đối với chính quyền địa phương đã đảm bảo quỹ đất trồng lúa ở mức trên dưới 4 triệu ha, giữ vững an ninh lương thực, đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ việc đưa đất thu hồi vào sử dụng.
 
Nhà nước chủ yếu giao đất nông nghiệp cho nông dân, một phần khác được giao cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý và sử dụng. Nhờ đó đã khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn, vừa giải phóng sức lao động, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện. Từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới ở các mặt hàng thế mạnh như gạo, thủy sản…
 
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất nông nghiệp hơn nữa, cần tập trung đất cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao và giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập của bộ phận nông dân không có đất. Phân bổ hợp lý đất đai giữa đất trồng cây lương thực, đất trồng rừng, đất phi công nghiệp, đất dịch vụ, đất chỉnh trang và phát triển đô thị...
 
Đồng thời, rà soát lại quy hoạch, lập lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phù hợp với yêu cầu mới của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, rau, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm giá trị cao khác; bảo vệ đất lúa nhưng cho phép thay đổi linh hoạt mục đích sử dụng giữa lúa và các cây trồng khác...

Huy Thông
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn