Phú Thọ: Thay đổi nhận thức cho nông dân qua các mô hình bảo vệ môi trường
14:49 - 01/09/2015
(MTNT) - Đứng trước nhiều vấn đề nhức nhối của môi trường đặt ra, Hội Nông dân tỉnh  đã tổ chức vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo có kết quả nhiều hoạt động đem lại hiệu quả và sự chuyển biến đáng mừng.
Thu gom rác thải bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

 
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trước hết đã xác định việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và phát triển kinh tế xã hội ở địa ph­­­­ương chính là một trong những mục tiêu quan trọng. Cũng từ đó, khi tổ chức thực hiện các phong trào nông dân đã chọn tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới đưa vào nhiệm vụ hàng năm của Hội để chỉ đạo. Phát động các phong trào thi đua và giao chỉ tiêu thi đua về môi trường cho các cấp Hội, xem đây là chỉ tiêu cứng trong bình xét thi đua hàng năm.

 
Hội các cấp đã chủ động trong việc xây dựng các chương trình phối hợp theo từng giai đoạn cũng như kế hoạch phối hợp hàng năm với các ngành để tổ chức tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình về môi trường. Qua đó, nhằm nâng cao được nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân.

 
Chỉ đạo Hội Nông dân của 13 huyện thành, thị Hội phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao điều kiện sống cho hội viên, nông dân. Đồng thời cải thiện các dịch vụ cấp nư­ớc sạch để đảm bảo vệ sinh và từng b­ước thay đổi được hành vi của cả cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trư­ờng, vệ sinh tại các khu dân cư­ và gia đình hội viên.

 
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành, thị triển khai tới 100% cơ sở Hội  việc ký kết các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường.


 
Rất nhiều lớp tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cũng được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Bằng nhiều hình thức sinh động khác nhau như­­: Tổ chức các lớp truyền thông, tập huấn cho các chi hội trư­­ởng, chi hội phó nông dân làm tuyên truyền viên; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm; viết tin bài đăng trên cuốn thông tin công tác Hội; tổ chức thi viết, sân khấu hóa hoặc tìm hiểu kiến thức và pháp luật bảo vệ môi trư­ờng nông thôn; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, pano áp phích triển khai đến 100% cơ sở Hội…

 
Phối hợp tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân huyện và cơ sở về chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, những kiến thức, nội dung chính sách pháp luật về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và nhân dân nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường.

 
Nhìn chung, công tác tuyên truyền giáo dục được chú ý tập trung ở các địa bàn có làng nghề, khu đô thị; đặc biệt là tuyên truyền cho hội viên, nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và được lồng ghép để tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, các hội nghị...

 
Đã tổ chức được một cuộc hội thảo cho toàn bộ các cán bộ chủ chốt của Hội nông dân thuộc 13 huyện, thành, thị tham gia nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về vấn đề bảo vệ môi trường, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.


 
Chỉ tính riêng trong năm 2014, Hội Nông dân tỉnh đã mở được 26 lớp tập huấn phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, chương trình xây dựng nông thôn mới  cho 2.326 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia. Tổ chức một cuộc mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới cho hơn 1.800 lượt hội viên tham dự. Phát hành được 24.000 cuốn thông tin công tác Hội, trong đó có nội dung tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường.

 
Triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường”, “Ngày môi trường thế giới” bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức ra quân vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom xử lý rác thải, làm vệ sinh, sửa chữa các công trình vệ sinh công cộng. Nhiều cơ sở Hội xây dựng quy chế vệ sinh, tổ nông dân tự quản làm tốt phong trào "Đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp", phát động triển khai phong trào xây dựng mô hình “Sạch từ nhà ra ngõ", "Sạch đồng, tốt ruộng, đẹp quê hương".

 
Thông qua công tác tuyên truyền và các hoạt động truyền thông đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân thấy được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Từ đó có nhận thức đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường, việc sử dụng nguồn nước sạch, có ý thức giữ gìn vệ sinh gia đình, cộng đồng; quan trọng hơn là làm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường, nếp ăn ở vệ sinh, gọn gàng, sạch sẽ.

 
Trong 5 năm (từ năm 2010- 2015), Hội Nông dân Tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn- Trung ương Hội NDVN, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh xây dựng các mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải bảo vệ môi trường nông thôn; mô hình xây dựng công trình vệ sinh hợp vệ sinh; mô hình Hội Nông dân tham gia xây dựng hệ thống thoát nước bảo vệ môi trường làng nghề...

 
Năm 2010, Hội Nông dân tỉnh xây dựng, tổ chức, chỉ đạo và triển khai thực hiện dự án “Mô hình nông dân tham gia xử lý rác thải sinh hoạt là chất hữu cơ”. Kết quả, xây dựng thành công 2 lò và 2 nhà máy xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học tại xã Tứ Xã và thị trấn Lâm Thao- huyện Lâm Thao. Đến nay, sau gần 5 năm tất cả đều đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý rác thải làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của địa phương. Mô hình này hiện đang được các xã, huyện trong tỉnh và tỉnh bạn đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.

 
Năm 2014, Hội Nông dân tỉnh tham gia xây dựng mô hình xử lý nước thải làng nghề tại xã Hùng Lô- thành phố Việt Trì đã góp phần cải thiện cuộc sống của nhân dân trong vùng làng nghề và giảm thiểu được chất thải gây ô nhiễm ra môi trường.
 


Hưởng ứng các ngày Môi trường thế giới (5/6) hàng năm và tuần lễ Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, các cấp Hội trong tỉnh đã kẻ vẽ được 625 panô, áp phích, trồng được 20.357 cây xanh. Chỉ tính riêng năm 2014, các cơ sở Hội đã vệ sinh được 2.000 km đường làng, ngõ xóm, nạo vét khơi thông trên 15.000m rãnh thoát nước, có 14.200 hội viên tham gia thu gom trên 10.000 tấn rác thải trong khu dân cư và vận động hội viên, nông dân không đổ rác ra đồng, chân đê, nhất là bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân loại chất thải, xử lý chôn sâu các loại chất thải rắn… coi đây là những công việc thường xuyên của mỗi hội viên.

 
Ngoài ra, Hội Nông dân cũng đã phối hợp với Trung tâm khuyến công tư vấn và tiết kiệm năng lượng của tỉnh tổ chức được 13 lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng cho 910 người là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia; tổ chức 02 cuộc hội thảo về xây và xử dụng hầm khí Biogas. Đến nay, đã hỗ trợ việc xây dựng mỗi hầm khí bình quân 700.000 đồng cho 414 hộ gia đình là hội viên, nông dân của 04 huyện, thành, thị như: huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì.

 
Bên cạnh đó, Hội các cấp còn thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường. Kết quả, đã tổ chức kiểm tra được 572 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tiếp tục triển khai được 15 giếng nước sạch và 514 mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh...

 
Thành lập được 29 câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường, gồm: 3 Câu lạc bộ vệ sinh môi trường; 2 Câu lạc bộ thu gom và xử lý rác thải; 4 Câu lạc bộ rau an toàn; 8 Câu lạc bộ nước sạch; 12 Câu lạc bộ chăn nuôi gắn với xử lý hầm Biogas.

 
Thông qua các mô hình về môi trường được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân được tập huấn, tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với đời sống sinh hoạt cũng như vấn đề sức khoẻ của cả cộng đồng. Từ đó, giúp cho mọi người có ý thức thay đổi hành vi trong việc bảo vệ môi trường; đặc biệt còn khẳng định vai trò của hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn.
 

Minh Thông
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn