Quảng Ngãi: Báo động ô nhiễm môi trường ven biển
10:30 - 28/07/2015
(MTNT)- Quảng Ngãi là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung với đường bờ biển dài 130 km và huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn. Tuy nhiên, môi trường biển ở hầu hết các nơi đang bị ô nhiễm đến mức báo động. 
Ảnh minh họa

Nhiều năm qua, đập Quỳnh Lưu- ranh giới giữa hai xã Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) là điểm nhức nhối về ô nhiễm môi trường. Rác thải từ cảng cá, tàu thuyền, từ sinh hoạt khu dân cư đều đổ ra biển, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
 
Tại cảng Sa Kỳ, mỗi ngày có khối lượng lớn rác thải sinh hoạt, cặn dầu, chất thải rắn và các chất tẩy rửa… đổ ra biển. Tại cảng cá Sa Huỳnh, tàu cập cảng liên tục trút xuống nhiều rác thải, cặn dầu và các chất tẩy rửa... Ở cảng cá Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn), nơi thường xuyên diễn ra hoạt động mua bán hải sản, nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải, dẫn đến một khối lượng lớn rác thải do người dân vứt vương vãi trên bờ, dưới nước bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân..
 
Tại vùng ven biển xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), hơn 400 hộ dân ở gần Nhà máy ximăng Đại Việt đang phải sống trong cảnh tiếng ồn và bụi. Còn tại khu công nghiệp Quảng Phú (TP Quảng Ngãi), nhiều nhà máy chế biến hải sản thường xuyên xả nước thải ra ngoài khu dân cư, gây ảnh hưởng sinh hoạt, sức khỏe của hàng trăm hộ dân. Người dân ở các xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) và xã Nghĩa An, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) cũng đang chịu cảnh rác thải tràn lan ven biển.
 
Tại vùng biển Đức Phong (huyện Mộ Đức), người nuôi tôm lấy nguồn nước từ biển và nguồn nước ngọt từ các giếng khoan ven bờ cho vào hồ. Sau thu hoạch, họ làm vệ sinh hồ nuôi và xả chất thải, nước thải trực tiếp ra biển.
 
Vùng đới bờ (được tính từ bờ biển ra 6 hải lý) của tỉnh rộng khoảng 2.000km2 hiện cũng bị sạt lở, ô nhiễm, ngập mặn… đến mức báo động. Qua điều tra cho thấy, chất lượng môi trường đới bờ trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục bị tác động bởi các chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn. Tại các khu vực tiếp nhận nước thải từ các nhà máy ven biển, các chỉ tiêu COD, dầu mỡ, NH4+ đều vượt quy chuẩn. Các khu vực nuôi tôm trên cát ở Phổ Quang, Đức Minh, Đức Chánh, Đức Phong,… chỉ tiêu COD vượt quy chuẩn nhiều lần, hàm lượng BOD5 có diễn biến tăng so với các năm 2011, 2012. Tại các khu vực cảng, bến cá, vùng neo đậu tàu thuyền như cảng Dung Quất, Sa Kỳ, Lý Sơn… các chỉ tiêu COD, BOD5, TSS diễn biến tăng theo thời gian. Tại các cửa sông, các chỉ tiêu COD, TSS, coliform cũng vượt quy chuẩn. Chất lượng môi trường nước biển tại các khu vực xả thải có dấu hiệu ô nhiễm với sự gia tăng của các chất gây ô nhiễm như BOD, COD, TSS, NH4+, dầu mỡ. Vấn đề rác thải vùng đới bờ cũng đáng báo động. Theo kết quả điều tra 32 xã nằm sát biển và ven các sông thì tỷ lệ rác được thu gom và xử lý là rất thấp, chỉ đạt khoảng 36%.
 
Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch ven biển của tỉnh như: Đức Minh (Mộ Đức), Khe Hai (Bình Sơn), Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi)... rác thải cũng tràn lan. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm thuộc vào hàng yếu kém. Nhiều điểm du lịch chưa làm hệ thống xả nước bẩn, không có thùng đựng rác công cộng nên mỗi khi khách ăn uống thường vứt rác bừa bãi ra bờ biển. Bãi rác chạy dài hàng cây số, mùi hôi thối đến ngạt thở...
 
Huyện đảo Lý Sơn hiện đang phát triển ngành thủy sản và thu hút lượng khách du lịch, tham quan ngày càng đông, nhưng cơ sở hạ tầng còn yếu. Nhất là hệ thống xử lý nước thải, rác thải chưa có nên vấn đề ô nhiễm môi trường hiện đang trong tình trạng báo động. Ngoài ra, lượng rác thải hàng ngày của hơn 21.170 cư dân trên đảo vào khoảng 20-30 tấn. Rác thải chỉ có duy nhất một con đường đi là từ nhà ra biển, rác thải ngập tràn, nơi nào cũng thấy ụ lớn rác, chất thải.
 
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực ven biển đã và đang trở thành vấn nạn đối với nhiều địa phương ven biển ở Quảng Ngãi, đe dọa đến sức khỏe người dân và môi trường biển. Một số địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục nhưng “đâu lại vào đấy”, đủ loại rác thải vẫn cứ tràn ngập ở khu dân cư, ở ven bờ biển. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân. Có vậy mới đảm bảo phát triển kinh tế biển một cách bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng biển.

Dương Hiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn