(MTNT)- Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt và cuộc sống của người dân cũng gắn liền với sông nước. Tuy nhiên các dòng sông ngày một ô nhiễm trầm trọng do các cơ sở sản xuất, người nuôi tôm xả thải trực tiếp ra sông và hoạt động thu gom rác thải chưa hiệu quả.
|
Ảnh minh họa |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm tại các cửa sông, biển trên địa bàn tỉnh đang diễn ra nghiêm trọng. Tại các cửa biển lớn như: Sông Ðốc, Khánh Hội, các chất thải gây ô nhiễm vượt gấp 5 lần mức độ cho phép. Các con sông ở các thị trấn, thành phố, mức độ ô nhiễm cũng ngày càng cao hơn, vượt gấp nhiều lần mức cho phép.
Sự ô nhiễm nghiêm trọng này xuất phát từ ý thức trong sinh hoạt của người dân, hoạt động khai thác của các phương tiện. Ðặc biệt là tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến vỏ đầu tôm, các cơ sở thu mua sơ chế các mặt hàng thuỷ sản dọc theo các cửa biển, do không có hệ thống xử lý nên hầu như nước thải từ sơ chế các mặt hàng thuỷ sản đều được đổ thẳng xuống sông. Đồng thời, người dân tại các cửa biển còn phải chịu thêm cảnh ô nhiễm về không khí và tiếng ồn khi tàu ra vào, tiếng máy ầm ầm gần như suốt ngày.
Điển hình như cửa biển Sông Ðốc, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, là cửa biển lớn nhất tỉnh với hàng ngàn tàu thuyền lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh thường xuyên hoạt động cùng mật độ dân số lớn. Người dân có thói quen xả thải, vứt rác xuống sông, cửa biển cùng các hoạt động sản xuất không qua xử lý nước thải nên gây ra vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Tại cửa biển Khánh Hội, với trên 40.000 hộ dân cùng với cả ngàn phương tiện khai thác khiến tình trạng bao, bọc ni-lông, xăng dầu gây ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn.
Là trung tâm lớn về nuôi trồng và khai thác, chế biến thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm với diện tích trên 266.000 ha (chiếm 40% so cả nước). Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và 41 nhà máy chế biến, trong đó có 33 nhà máy chế biến tôm, 4 nhà máy bột cá, 2 nhà máy chế biến chả cá, 2 nhà máy chế biến đầu vỏ tôm. Nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản hoạt động trên địa bàn không có hệ thống xử lý nước thải hiệu quả, thậm chí có nhiều cơ sở còn thải trực tiếp ra sông làm cho mức độ ô nhiễm các dòng sông ngày càng trầm trọng.
Hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi tôm còn rất nhiều bất cập. Hiện nhiều vùng nuôi tôm còn rất khó khăn, nhất là khu vực nội đồng không đủ nước cho sản xuất; hầu hết không có hệ thống kinh cấp thoát riêng, ô nhiễm môi trường vùng nuôi luôn ở mức cao, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sản xuất.
Ngoài ra, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải có mầm bệnh trong quá trình cải tạo ao đầm của người nuôi tôm cũng gây ô nhiễm môi trường các dòng sông. Nuôi tôm khi bị bệnh nếu không xử lý mà thải ra đều gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Bởi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hạ tầng chưa được đầu tư khép kín thì một hộ xả sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực, cả vùng. Môi trường bị ô nhiễm khiến dịch bệnh lây lan luôn là mối đe doạ cho người nuôi tôm và ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như chống sạt lở ở các cửa biển, trong năm 2015, tỉnh sẽ đầu tư nhiều tỷ đồng nâng cấp 2 cửa biển lớn Khánh Hội và Sông Ðốc, bao gồm việc nạo vét bên trong và bên ngoài cửa biển, xây bờ kè tại 2 bên cửa biển. Riêng về các sông ô nhiễm, thời gian tới, tỉnh có kế hoạch nạo vét khai thông dòng cho các sông bị cạn, ô nhiễm nặng ở các địa phương. Về phía người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, coi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, mang lại vụ mùa thành công cho gia đình.