|
Thông qua các buổi mít tinh, diễu hành để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sống cho người dân |
Hội Nông dân Vĩnh Phúc luôn xác định giúp nông dân phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường thì việc phát triển mới bền vững được. Vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới, Hội vừa phát động “Nông dân tiến quân vào KHKT” vừa phát động nông dân tích cực tham gia BVMT, xử lý nguồn chất thải, nước thải trong cộng đồng dân cư, khu chăn nuôi, hạn chế tiếng ồn, hạn chế khói, bụi không khí ở nơi sản xuất, chế biến, làng nghề...
Trước hết, để thu hút và tập hợp được đông đảo hội viên tham gia, các cấp Hội đã xác định được công tác tuyên truyền luôn phải đi trước để nông dân hiểu và thông thì pháp luật, chính sách công mới đi được vào cuộc sống và đem lại hiệu quả.
Đã có rất nhiều hình thức tuyên truyền được các cấp Hội tổ chức phong phú và đa dạng như: Mở lớp tập huấn, hội thi, hội thảo, hội nghị đầu bờ, xây dựng các chuyên mục phóng sự... Mỗi năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức hàng trăm lớp tập huấn tuyên truyền tới hàng vạn hội viên, nông dân về pháp luật, bảo vệ TNMT, VSATTP, vệ sinh an toàn sản xuất…
Cũng đã có rất nhiều buổi hội thảo đầu bờ được tổ chức để tuyên truyền về việc sử dụng hóa chất, thuốc BVTV đúng quy định, triển khai thu gom chai lọ, bao bì, thuốc BVTV tại các xã phường và ngay trên đồng ruộng. Việc tổ chức các cuộc thi “Nông dân với công tác BVMT” theo hình thức sân khấu hóa cũng đã thu hút được đông đảo hội viên, nông dân nhiệt tình tham gia.
Hội còn Phối hợp với Đài truyền hình, báo Vĩnh Phúc xây dựng một số chuyên mục, phóng sự về nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư, viết nhiều tin bài phản ánh về vai trò của nông dân trong công tác Bảo vệ môi trường, tuyên truyền gương người tốt việc tốt trên báo Vĩnh Phúc, cổng thông tin điện tử của tỉnh, trên bản tin công tác Hội… Thông qua công tác tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp đã vận động nông dân tự nguyện đóng góp hàng ngàn m
2 đất, hàng vạn ngày công, hàng trăm triệu đồng để mở đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng làm cho môi trường, cảnh quan khang trang đẹp đẽ, góp phần vào thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới.
Song song với công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn như: Mô hình “Nông dân chỉnh trang sửa sang nhà cửa” cho 40 hộ nông dân, xây dựng hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi tổ hội; mô hình đoạn đường nông dân tự quản; mô hình câu lạc bộ nói không với túi nilon; mô hình hầm Biogar xử lý chất thải trong chăn nuôi …
Thông qua việc xây dựng mô hình, việc tổ chức cho nông dân tham quan học tập nhằm để tổng kết đánh giá, lấy hiệu quả của chính mô hình để thuyết trình và vận động nông dân làm theo. Cũng nhờ đó mà các mô hình ngày càng phát triển rộng khắp, trở thành tiêu chí thi đua sôi nổi của các chi tổ Hội.
Với quyết tâm nâng cao vai trò của nông dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, Hội Nông dân tỉnh đưa ra các chỉ tiêu thi đua ở nông thôn như: “Sạch từ trong nhà, sạch ra đường làng ngõ xóm, sạch tới ruộng đồng” với đối tượng là hội viên nông dân ở thị trấn và ở đô thị thì triển khai thực hiện “Sạch từ trong nhà sạch ra đường phố”, tận dụng đất trống trồng cây xanh để giữ môi trường trong lành, sạch sẽ.
Thông qua các hoạt động trên nhằm giúp cho hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác BVMT, giúp họ hiểu rõ hơn việc bảo vệ môi trường là bảo vệ chính sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Từ đó, giúp người dân có ý thức về vệ sinh an toàn trong sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, có ý thức về thu gom phân loại và xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là khi xây dựng những khu chăn nuôi tập trung cần cách xa nơi dân cư sinh sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân cũng còn gặp một số khó khăn nhất định đó là: Nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận trong cộng đồng dân cư còn hạn chế, vẫn còn tình trạng đổ rác sinh hoạt bừa bãi không đúng nơi quy định.
Hơn nữa, đội ngũ cán bộ cộng tác viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội còn bị giới hạn về trình độ chuyên môn và kỹ năng vận động quần chúng, có nơi nội dung phương thức tuyên truyền vẫn còn mang tính hành chính. Nhất là vai trò giám sát, phản biện và kiến nghị đề xuất với các cơ quan hữu quan về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường còn có lúc, có nơi chưa kịp thời đầy đủ. Một khó khăn nữa là kinh phí cho tuyên truyền xây dựng các mô hình trình diễn về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn hẹp.
Từ những kết quả đạt được cũng như những mặt tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai, có thể nhận thấy vai trò của công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Tuyên truyền thế nào để hội viên, nông dân nâng cao được nhận thức về bảo vệ môi trường, từ đó hình thành ý thức, cách nghĩ, cách làm và có hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, với môi trường. Làm sao để mỗi hội viên, nông dân nhận thức rõ môi trường là sự sống còn của chính mình, của đất nước của các thế hệ con cháu mai sau.
Tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập mô hình làm tốt, lấy hiệu quả của chính các mô hình đó để thuyết trình, vận động nông dân và tiếp tục triển khai nhân ra diện rộng đang thực sự là một việc làm đúng. Thông qua đó, nhằm tuyên truyền cho mọi người dân ở mỗi làng, mỗi xã cần nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ cùng quản lý, bảo vệ, làm giàu thêm tài nguyên môi trường. Điều quan trọng hơn cả là nâng cao được trình độ dân trí, có nhận thức đầy đủ và hài hòa giữa lợi ích kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.