Long An: Đa dạng hóa các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn
17:35 - 27/07/2015
(MTNT) – Nhiều năm gần đây, thực trạng môi trường ô nhiễm do rất nhiều nguyên nhân đem lại nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức của con người, do nhận thức không đúng đắn và đầy đủ về môi trường cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người.
Người dân tham gia thu gom rác thải trên đồng ruộng (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

 
Xác định được việc bảo vệ môi trường chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng và vô cùng cấp bách của Đảng, nhân dân, của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, ở nông thôn thì đó chính là vai trò của người nông dân và của các cấp Hội Nông dân.
Ý thức được điều này, hệ thống Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, thực trạng ô nhiễm môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới; xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình về bảo vệ môi trường; xây dựng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thể hiện vai trò nòng cốt của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn.


 
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Long An đã và đang tổ chức xây dựng các mô hình cụ thể, phù hợp và có hiệu quả với từng địa phương và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo hội viên, nông dân. Điển hình phải kể đến là mô hình chi Hội 3 sạch (Ăn sạch- Ở sạch- Sản xuất sạch và bền vững). Từ năm 2006, xây dựng điểm đầu tiên tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức và xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, đây là mô hình do Hội Nông dân tỉnh phát động và phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường cùng thực hiện.

 

Tham gia mô hình, các chi Hội thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền những nội dung về bảo vệ môi trường, giới thiệu nội dung "3 sạch" trong cán bộ, hội viên, nông dân tại các cuộc họp lệ, các buổi sinh hoạt báo, bản tin, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, khuyến khích việc tự tìm hiểu qua tivi, sách, báo… Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đăng ký và cam kết thực hiện nội dung "3 sạch", gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

 
Hội cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở những hộ đã đăng ký tham gia mô hình cần thực hiện đúng cam kết, cuối năm sẽ tiến hành bình xét công khai các hộ thực hiện tốt và có biểu dương, khen thưởng kịp thời. Tính từ khi phát động đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được trên 100 mô hình này ở khắp các địa phương trong tỉnh.


 
Một mô hình điển hình nữa là chi Hội thu gom rác thải sinh hoạt. Đây là mô hình do Hội Nông dân huyện Bến Lức phát động và xây dựng từ năm 2011 tại xã Nhựt Chánh. Mô hình nhận được sự hỗ trợ của Đảng ủy, chính quyền địa phương, có sự chỉ đạo các chi bộ ấp và các đoàn thể cùng tham gia. Phòng Tài nguyên và Môi trường trang bị thùng chứa rác và Công ty công trình công cộng làm nhiệm vụ thu gom rác để tiêu hủy.


 
Mô hình này tự trang trải chi phí, lấy từ nguồn đóng góp phí thu gom và xử lý rác của người dân nên thích hợp thực hiện ở các cụm, tuyến dân cư. Hội viên, nông dân tham gia mô hình được nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, tự giác thu gom, phân loại và xử lý rác hợp vệ sinh. Đến nay, mô hình cũng đã được nhân rộng ra toàn huyện và một số địa phương trong tỉnh.


 
Hay như mô hình CLB nông dân bảo vệ môi trường, là mô hình do Hội Nông dân tỉnh tập trung phát động và hướng dẫn thực hiện đến từng cơ sở trong năm 2015. Mô hình được xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết số 20 -NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020. Đến nay, đã có 100% huyện, thị, thành đăng ký thực hiện. Các CLB được thành lập đều có quy chế hoạt động cụ thể, có nội dung sinh hoạt về bảo vệ môi trường hàng tháng; những thành viên của CLB được tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường…

 
Bên cạnh đó, trong tỉnh còn phát động, xây dựng nhiều mô hình, dự án gắn với các phong trào nông dân như: Mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện đầu tiên tại xã Nhơn Hòa Lập- huyện Tân Thạnh với tên gọi “Nông dân không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục và không có bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng”. Đây là mô hình do Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường cùng thực hiện.


 
Từ mô hình "Chăn nuôi heo không ảnh hưởng đến môi trường" được xây dựng năm 2007, thực hiện tại xã An Thạnh huyện Bến Lức với hình thức hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật lắp túi biogas. Tuy nhiên, túi biogas có nhược điểm là dung tích nhỏ, dễ hư hỏng bởi các vật sắc nhọn nên đến năm 2010, tỉnh Hội cùng Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội phối hợp thực hiện dự án “Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí biogas” tại huyện Cần Đước. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra các huyện trong tỉnh kết hợp nhiều nguồn lực để cùng tổ chức thực hiện như: Kinh phí từ sự nghiệp môi trường; dự án do Hà Lan tài trợ, dự án Lifsap thông qua ngành Nông nghiệp; vốn vay từ Ngân hàng CSXH…
 


Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường, khi tham gia dự án, cán bộ Hội và hội viên, nông dân còn được trang bị kỹ thuật xây dựng các công trình hợp vệ sinh theo hướng xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Trong toàn tỉnh hiện đã có trên 900 hầm biogas được xây dựng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do quá trình chăn nuôi thải ra và còn giúp người dân tiết kiệm năng lượng để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày từ nguồn khí gas sinh học.

 
Mô hình bảo quản kênh nội đồng không có cỏ, rác thải; trồng và chăm sóc cây xanh trên bờ kênh tạo vẻ mỹ quan, bảo đảm nguồn nước sạch để tưới tiêu cho vùng trồng rau. Hội Nông dân huyện Cần Giuộc phát động từ năm 2013 tại xã Phước Hậu nhằm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, mô hình có 70 hộ hội viên, nông dân tham gia bảo quản tuyến kênh dài 1,5km; lòng kênh được trồng hoa sen, hoa súng, bờ kênh được trồng cây xanh, đều do mỗi hộ dân chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc.


 
Gắn với tổ chức Hội, nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn được đưa vào nội dung đánh giá chất lượng hội viên, chất lượng chi, tổ và cơ sở Hội hàng năm. Thông qua việc xây dựng các mô hình điểm nói trên, hoạt động Hội được đẩy mạnh, tổ chức Hội được củng cố và thu hút thêm nhiều nông dân vào Hội. Thêm vào đó, còn nâng cao vai trò của các cấp Hội trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đồng thời giúp cán bộ, hội viên nông dân có điểm tham quan, trao đổi học tập tại chỗ và ứng dụng nhân rộng mô hình tới từng hộ gia đình.

 
Quá trình xây dựng mô hình cần tập trung, có đánh giá hiệu quả và tổ chức nhân rộng hiệu quả đạt được. Việc xây dựng mô hình cần kết hợp lồng ghép nhiều nguồn lực trong đó, tập trung vận động người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, đất đai, công sức để cùng cải tạo, nâng cấp, lắp đặt các thiết bị xử lý chất thải, nước thải; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên.


 
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy tác dụng thiết thực mà công tác tuyên truyền đem lại. Việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức và phương tiện đa dạng, nội dung phong phú, gắn với hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của hội viên nông dân, gắn với các mô hình cụ thể tại địa phương, nhờ thế mới thu hút được sự quan tâm của hội viên, nông dân. Thêm vào đó, cần gợi mở, khuyến khích hội viên nông dân mạnh dạn đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp và bền vững.

 
Việc biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân.
 

Như Quỳnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn