Giảm gánh nặng cho môi trường bằng cách giảm túi nylon hiệu quả
13:33 - 19/05/2015
(MTNT) – Nhiều năm trở lại đây, túi nylon hiện diện khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta, song có thể nhận ra một điều, chúng tập trung nhiều nhất tại các chợ tiêu dùng.
Thói quen sử dụng túi nylon để đựng rác thải sinh hoạt của người dân đang gây ô nhiễm lên môi trường sống

 
Túi được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau như: Được dùng để đựng thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm chín; đựng hoa quả, thậm chí là hàng tiêu dùng, điện tử... Không ở đâu người mua và người bán hàng dễ dàng cho và xin túi nylon như ở nước ta.

 
Túi nylon còn được dạo bán rong khắp nơi và rất nhiều người, bằng những cách thức quá dễ dàng cũng có thể mua và sử dụng chúng. Cũng nhờ vậy mà có khá nhiều người sống được bằng nghề bán túi nylon như thế. Tại mỗi gia đình, túi được dùng để bọc và bảo quản thực phẩm, đựng rác, đựng đồ và còn vô số những công việc tiện dụng khác.
 

Theo kết quả khảo sát đã tiến hành tại thành phố Hà Nội được thực hiện gần đây cho thấy: Tính trung bình một ngày, mỗi hộ gia đình dùng và thải ra môi trường khoảng 11,3 túi nylon các loại. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc có khoảng 3 triệu hộ dân tại thành phố thì trung bình mỗi ngày người dân đang tiêu dùng và vứt bỏ hơn 9 triệu chiếc túi nylon. Đây quả là một con số không hề nhỏ.

 
Vào cuối buổi chiều mỗi ngày, hình ảnh những xe rác chất cao ngất ngưởng và đầy chặt những chiếc túi nylon đủ màu sắc và kích cỡ như thế này có lẽ không còn là cảnh hiếm gặp ở thủ đô. Rác nylon giờ đây đã trở thành vấn nạn đau đầu đối với các nhà quản lý bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ và đang gây mất mỹ quan đô thị.


 
Làm một phép tính nhẩm, nếu như mỗi ngày, người dân nội thành thải ra 9 triệu túi nylon thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ đồng, khoảng 54 tỷ đồng mỗi tháng và 648 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ là những tổn hại về kinh tế, túi nylon còn gây nên những tổn hại về môi trường khiến con người phải trả những giá rất đắt và hệ lụy của nó còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

 
Khoa học đã chứng minh rằng phải mất từ 500 đến 1000 năm sau túi nylon mới có thể phân hủy hết được. Nếu như chúng ta tiêu hủy bằng cách chôn lấp, sự tồn tại của nylon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nylon khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu không tươi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng, kém phát triển như bình thường.
 

Với số lượng chất thải túi nylon và nhựa quá lớn mỗi ngày như hiện nay, khoảng 80 tấn ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đang gây sức ép về vấn đề thiếu chỗ chôn lấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi không có đủ chỗ chôn lấp sẽ khiến chúng phát tán đi khắp nơi, trôi nổi trên các cống, hồ, làm tắc nghẽn dòng nước thải, gây ngập lụt cho các đô thị về mùa mưa. Nguy hiểm hơn, túi nylon còn đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người. Khi nylon được sản xuất tái chế hay đốt tiêu hủy, nó thải ra chất độc dioxin và rất nhiều độc tố khác gây nên tình trạng khó thở, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch thậm chí gây biến đổi giới tính, gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.


 
Trên thế giới, hầu hết nhiều quốc gia đã có những giải pháp mạnh tay để giải quyết vấn đề này như: Ban hành lệnh cấm sản xuất túi nylon khó phân hủy, việc đánh thuế nặng đối với sản xuất túi nylon đã được áp dụng tại Đài Loan, Trung Quốc, Vương quốc Anh và một số bang ở Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Nam Phi, Đan Mạch…; ngoài ra các nước này cũng yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nylon khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi nylon hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

 
Đối với nước ta, trước thực trạng khó khăn trên, một trong những giải pháp được xem là đột phá và mang tính quyết liệt nhất là áp thuế cho túi nylon. Theo đó, mức thuế bước đầu áp dụng từ 100% - 200% chi phí giá thành trên 1kg bao bì nhựa. Tương ứng với thời điểm chuẩn bị áp dụng mức thuế này vào năm 2013 là 40.000 đồng/kg. Một mức thuế gây phản ứng khá nhiều cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng trực tiếp.

 
Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là việc áp thuế quá đột ngột, không có lộ trình để doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất những sản phẩm thay thế khác. Hơn nữa, trong trường hợp doanh nghiệp có thể chuyển đổi được thì cũng không biết phải dựa trên cơ sở nào để chuyển đổi khi bộ tiêu chí áp dụng cho sản phẩm túi nylon thân thiện với môi trường còn chưa được hoàn thiện.

 
Thêm vào đó, có một thực tế nữa đang chứng minh rằng chi phí sản xuất ra bao bì tự hủy cao hơn giá thành chi phí sản xuất bao bì bình thường từ 20% - 40%. Trong khi đó, thói quen tiêu dùng của người dân vẫn luôn ưu tiên cho những sản phẩm có mức giá rẻ. Vậy thì về phía những doanh nghiệp hiện đang sản xuất hay sử dụng bao bì là bao nylon tự hủy cũng đành phải thừa nhận rằng họ khó có khả năng để duy trì được lâu dài.


 
Chính vì chưa thể giảm thiểu hiệu quả sử dụng túi nylon bằng những giải pháp kinh tế, nhiều tỉnh, thành đã buộc phải trở lại với giải pháp thông thường là vận động, tuyên truyền. Thế nhưng, kết quả của những cuộc vận động, tuyên truyền trên cũng chỉ mới dừng lại ở việc nâng cao một phần nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn hiệu quả từ nhận thức chuyển sang thành hành động đang còn rất hạn chế.
 

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm túi nylon và nhựa các loại đều đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu hạt nhựa nói chung với một mức chi phí khá cao, chiếm khoảng hơn 90%; nguồn hạt nhựa tái chế trong nước lại chỉ chiếm chưa tới 10%. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện tốt từ khâu tái chế thì có thể thay đổi đáng kể tỷ lệ cung ứng cho thị trường hạt nhựa trong nước, lên khoảng 40%.


 
Trên thực tế, việc tái chế túi nylon sau sử dụng không phải là việc làm quá khó. Cái khó chính là hiện nay nhà nước ta vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ đủ để khuyến khích các nhà đầu tư lớn có năng lực tham gia. Kết quả là việc tái chế nylon rơi vào những cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ. Trong quá trình sản xuất, họ không đảm bảo những điều kiện về an toàn môi trường, gây nên những phản cảm trong xã hội. Do vậy, theo các chuyên gia môi trường, thay vì loay hoay tìm cách giảm thiểu sử dụng túi nylon thì nên đầu tư cho giải pháp kinh tế để tăng hiệu suất tái chế loại sản phẩm này. Như vậy, vừa có lợi ích về kinh tế vừa có lợi cho môi trường sống của chính chúng ta.
 

Trong Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 04 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” cũng đã đặt ra một số mục tiêu chung như: Giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy.

 
Quyết định này cũng đồng thời đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau: Đến năm 2015 làm sao để giảm được 40% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 20% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi nylon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Những tỷ lệ này cũng cần được tăng lên tương ứng là giảm 65% khối lượng túi nylon tại siêu thị-  giảm 50% khối lượng túi nylon tại chợ dân sinh-  thu gom và tái sử dụng 50% khối lượng chất thải túi nylon khó phân hủy trong mục tiêu cụ thể của lộ trình tới năm 2020.


Tuy nhiên, không phải chỉ có các tổ chức, cá nhân riêng lẻ tuyên truyền đã đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi nylon gây ra. Điều quan trọng nhất chính là thái độ và hành động của cả cộng đồng đối với việc này ra sao. Trong khi chưa có những chính sách pháp luật và các loại túi thay thế để hạn chế việc sử dụng túi nylon, trước mắt, mỗi người dân chúng ta cần có những hành động thiết thực và cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do túi nylon gây ra cho sức khỏe và môi trường sống.

Duy Quyết
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn