Thách thức do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, đẩy nước mặn lấn sâu vào nội đồng lại đang tạo ra cơ hội phát triển nghề nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Trong đó, 5 tỉnh có nhiều lợi thế là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre đều có kế hoạch tăng mạnh cả về diện tích thả nuôi...
Trong đó, 5 tỉnh có nhiều lợi thế là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre đều có kế hoạch tăng mạnh cả về diện tích thả nuôi và sản lượng so với năm vừa qua.
Tất bật vụ tôm mới
Đầu xuân mới cũng là thời điểm nông dân các huyện vùng tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau) tất bật thu hoạch lúa, tu bổ lại mương bờ, mặt ruộng, lấy nước mặn vào chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới (mô hình lúa - tôm). Mặc dù năng suất lúa trên nền đất nuôi tôm không cao (khoảng 3,5 - 4 tấn/ha), nhưng cũng đủ để mang lại cái tết sung túc cho hàng triệu hộ nông dân nhờ bán được giá.
|
Nông dân nuôi tôm - lúa kiểm tra độ mặn trong ruộng trước thi thả nuôi vụ tôm mới |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Nguyễn Tấn Lợi (xã Đông Thái, An Biên, Kiên Giang) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ hơn chục năm kiên trì theo đuổi nghề nuôi tôm - lúa. Vụ lúa năm nay nhờ trời mưa đều nên năng suất khá, 2ha mặt ruộng tôi thu được gần 8 tấn. Bán giá hơn 6.000 đồng/kg (cao hơn lúa thường khoảng 1.000 đồng/kg) vì là lúa hữu cơ sinh thái, có được khoản thu gần 50 triệu đồng. Bỏ ra khoảng chục triệu lo cái tết cho cả gia đình, còn lại tái đầu tư cho vụ tôm mới. Hiện tôi đã lấy nước mặn vào đầy ruộng, chờ xử lý môi trường ổn định là mua tôm giống về thả, hy vọng có thêm vụ tôm trúng mùa, trúng giá nữa là sung túc cả năm”.
Tương tự, nông dân huyện Thới Bình, U Minh (Cà Mau) cũng vừa thu xong vụ lúa trước tết, đang tất bất chuẩn bị cho vụ tôm mới. Ông Trần Nguyễn Ba Phi ở xã Biển Bạch tâm sự: “Vui tết nhưng đêm nào tôi cũng thức để canh con nước lớn bơm vào ruộng. Lấy được nguồn nước chất lượng, nông dân đỡ tốn chi phí xử lý mà tôm nuôi lại mau lớn, ít dịch bệnh nên có vất vả thức đêm cũng phải canh”.
Bên cạnh người nuôi tôm - lúa, nông dân nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm thâm canh công nghiệp cũng đang hối hả vào mùa do thời tiết đầu vụ khá thuận lợi. Không đủ sức đầu tư siêu thâm canh trong nhà kính, nhiều nông dân chọn mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn lót bạt đáy ao, có mái che bằng lưới lan, để giảm những tác động bất lợi từ môi trường. Đây là mô hình nuôi khá thích hợp với những hộ nông dân có diện tích 1 - 2ha, do suất đầu tư vừa sức, năng suất và hiệu quả kinh tế đều hơn hẳn so với nuôi ao đất truyền thống.
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2017, tỉnh có kế hoạch thả nuôi 113.000ha tôm nước lợ, sản lượng đạt 63.000 tấn tôm thương phẩm, tăng 6% về diện tích và 10,8% về sản lượng so với năm vừa qua. Trong đó, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp là 2.600ha, tôm - lúa 89.000ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang chủ trương chuyển đổi hàng ngàn ha đất 2 lúa ven biển (chủ yếu ở vùng tứ giác Long Xuyên) có nguy cơ bị nhiễm mặn sang mô hình tôm - lúa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tăng cường kỹ thuật
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016 - 2017 ở các tỉnh Nam Bộ vẫn tiếp tục xảy ra và sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thả nuôi tôm nước lợ năm 2017. Vì vậy, việc khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ thả giống, tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để đảm bảo có vụ tôm nuôi thắng lợi được các tỉnh đặc biệt quan tâm.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, ngay từ đầu vụ đơn vị đã xây dựng khung lịch thời vụ để các địa phương phổ biến đến người dân được biết và thực hiện tốt. Chủ động mở các cống ngăn mặn ngay sau khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa nhằm phục vụ lấy nước nuôi tôm tại các vùng tôm - lúa cho kịp thời vụ. Khuyến cáo nông dân ngưng thả giống khi thời tiết bất lợi, môi trường không ổn định như nhiệt độ xuống quá thấp do không khí lạnh tăng cường hoặc nắng nóng kéo dài, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5.
|
Nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tăng mật độ thả nuôi, tăng sản lượng tôm thu hoạch |
“Sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ xét nghiệm bệnh tôm giống miễn phí; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; cấp phát hóa chất sát trùng chlorine để dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Xây dựng các mô hình trình diễn nuôi tôm thâm canh năng suất cao, an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất tôm - lúa VietGAP, phổ biến nhân rộng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn đạt hiệu quả”, ông Thao cho biết. |
Các tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình tôm - lúa và quảng canh cải tiến khi chưa có chủ trương của Bộ NN-PTNT. Đối với tôm công nghiệp, chỉ thả nuôi khi điều kiện thời tiết thuận lợi, chất lượng nguồn nước tốt và đảm bảo điều kiện nuôi theo quy định.
Kỳ vọng giá tôm
Những ngày đầu tháng 2, giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đã tăng mạnh, do các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu sớm hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ tết. Cụ thể, tại các vùng nuôi trọng điểm như tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng... giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được thương ái thu mua từ 230.000 - 240.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với trước tết. Loại 40 con/kg giá 180.000 - 185.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 150.000 đồng/kg, 60 con/kg giá 140.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước. Các loại tôm nói trên nếu thu hoạch sống, chạy oxy để bán cho các nhà hàng, quán nhậu giá cao hơn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Theo nhận định, giá tôm nguyên liệu sẽ ổn định ở mức cao hoặc tăng thêm nữa, do hiện mới là đầu vụ, ít nhất phải 3 tháng nữa mới có tôm thu hoạch rộ.
Ông Lê Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Trung Sơn cho biết, các nhà máy chế biến trực thuộc đơn vị đã hoạt động bình thường trở lại từ mùng 8 tết. Đầu năm tôm nguyên liệu tăng giá là tín hiệu vui, tạo động lực để nông dân manh dạn đầu tư thả nuôi vụ tôm mới với kỳ vọng trúng mùa trúng giá.
“Cty đã chuẩn bị xong vùng nuôi rộng 650ha tại huyện Kiên Lương (Kiên Giang), theo kế hoạch sẽ tăng sản lượng tôm nguyên liệu 10 - 20% so với năm trước, đạt từ 4.000 - 5.000 tấn tôm thương phẩm. Đầu vụ thời tiết đang thuận lợi, cộng với việc áp dụng quy trình nuôi hai giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tăng mật độ thả nuôi, tăng sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến xuất khẩu”, ông Tâm kỳ vọng.