Độc đáo hồ tiêu trồng trên đất phèn
10:47 - 04/01/2017
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, hồ tiêu còn được người dân tỉnh Kiên Giang phát triển ngay trên nền đất phèn ven sông, với trụ leo là cây tràm sống.

Cây hồ tiêu ở huyện đảo Phú Quốc, vùng đất Hà Tiên, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) từ lâu đã trở nên nổi tiếng với hương vị thơm, ngon thường được trồng trên nền đất đỏ bazan ở các sườn đồi và đã có lịch sử cả trăm năm. Nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, hồ tiêu còn được người dân tỉnh này phát triển ngay trên nền đất phèn ven sông, với trụ leo là cây tràm sống.
 

Cây tiêu “yêu” cây tràm

Cây hồ tiêu có đặc điểm chịu úng kém, nên thường được trồng tập trung ở các vùng đất cao như miền Đông Nam bộ hoặc các sườn đồi ở đồng bằng. Thế nhưng, nông dân các huyện vùng Tây Sông Hậu của tỉnh Kiên Giang lại có sáng kiến đưa cây tiêu trồng trên nền đất thấp ven sông, thường bị nhiễm phèn nặng và mặn lợ. Các địa phương như Gò Quao, Giồng Riềng đã phát triển khá thành công loại cây này trên vùng đất thấp trũng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Sáng kiến cây tiêu “yêu” cây tràm không chỉ giảm chi phí đầu tư, mà còn giúp cây tiêu phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao

 

Hồ tiêu là loại cây dây leo nên khi trồng cần có trụ bám để vươn lên trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Trụ trồng tiêu được nông dân sử dụng phổ biến là cột gỗ, trụ bê tông, cột đá hoặc xây bằng gạch… thường có giá thành khá cao, tốn kém chi phí đầu tư ban đầu. Hơn nữa, nếu trồng bằng “trụ chết” cần phải trồng thêm cây che bóng mát quanh vườn do tiêu thích nghi sống trong điều kiện ánh sáng tán xạ dưới rừng thưa, ít gió.
 

Chúng tôi tìm đến kênh Bửng Đế, thuộc ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, nơi có phong trào phát triển cây tiêu mạnh nhất trong vùng. Bà Võ Thị Kim Liên, người đã gắn bó cây hồ tiêu hơn chục năm qua cho biết: “Sử dụng cây tràm sống làm trụ trồng tiêu rất lý tưởng và là sáng kiến của nông dân nơi đây”. Bà Liên lý giải, ở đây nền đất trũng thấp nên muốn trồng được cây tiêu phải đào mương lên liếp. Cây tràm được trồng ở mé mương liếp, bộ rễ ăn sâu nên ít cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu. Cây tràm có sức sống tốt, ít bị đổ ngã, thân thẳng thích hợp cho việc tạo tán, điều chỉnh lượng ánh sáng trong vườn tiêu. Thân cây có lớp vỏ dày, nhám, thuận lợi cho tiêu leo bám, phát triển.
 

Hơn nữa, cây tràm luôn sẵn có tại địa phương, tận dụng của nhà nên đỡ tốn kém. Nếu phải đi mua, giá khoảng 25 - 30 ngàn đồng/cây tràm sống từ 3 - 4 tuổi, bứng nguyên gốc về trồng, rẻ hơn nhiều so với trụ bê tông lên đến hơn 200 ngàn.

“Từ đất ruộng để lên liếp trồng tiêu cần vốn đầu tư khoảng 30 triệu đồng/công. Trong đó phần lớn là thuê máy cơ giới đào mương, đắp liếp, chứ 300 gốc tràm (một công ruộng liên liếp trồng được 300 trụ tiêu) và mua dây tiêu giống (6 - 8 ngàn đồng/dây) chỉ hết khoảng chục triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, sau một năm rưỡi đến hai năm là bắt đầu có thu hoạch”, bà Liên tính toán.
 

Mô hình cây tiêu “yêu” cây tràm cũng được nông dân huyện Giồng Riềng đầu tư phát triển, tập trung nhiều ở hai xã ven sông Cái Bé là Hòa Thuận và Ngọc Hòa. Có gia đình ba bốn anh em đều bỏ lúa, “chia tay” cây ăn trái để chuyển sang trồng tiêu. Cả ba anh em Lưu Minh Trí, Lưu Minh Sang, Lưu Minh Diệp ở xã Hòa Thuận đã mạnh dạn chuyển sang trồng tiêu trên trụ tràm sống khoảng chục năm nay.

“Trồng tiêu bằng trụ tràm sống vừa giảm được chi phí đầu tư ban đầu vừa thích nghi với vùng đất trũng thấp. Vì cây tràm chịu được ngập úng trong thời gian dài, bám rễ chắc, chỉ cần lên liếp cao chống ngập cho tiêu là trồng hiệu quả. Hơn nữa, mô hình này còn giúp giải quyết đầu ra cho cây tràm, trước đây thường làm cừ xây nhà nhưng nay ít người sử dụng nên bí đầu ra”, anh Trí chia sẻ.
 

Hiệu quả kinh tế cao

Cây hồ tiêu “ôm” cây tràm không chỉ trụ vững trên đất phèn mà còn cho hiệu quả kinh tế khá cao, đánh bật nhiều cây trồng khác như lúa, cây ăn trái.

Bà Võ Thị Kim Liên cho biết, trồng tiêu chỉ nặng chi phí đầu tư ban đầu, từ năm thứ hai trở đi là có thu hoạch, kéo dài 10 - 15 năm mới phải đầu tư trồng lại. Hàng năm, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều. “Mỗi ha tiêu nếu chăm sóc tốt cho thu hoạch từ 3 - 4 tấn tiêu thương phẩm/năm, cho doanh thu dăm trăm triệu đồng, vượt xa so với cây lúa hay vườn trồng chuối, mía, khóm… Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở kênh Bửng Đế này (ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc) có cuộc sống khá giả đều nhờ cây tiêu”, bà Liên phấn khởi nói.

Cây tràm có sức sống tốt, ít bị đổ ngã, thân thẳng có lớp vỏ dày, nhám, thuận lợi cho tiêu leo bám, phát triển

 

Trong phong trào chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi của huyện Gò Quao thì cây hồ tiêu được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, giúp nhiều hộ nông dân đổi đời.

Ông Nguyễn Thanh Bạch, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc đánh giá: “Cây tiêu hiện nay cho thu nhập khá ổn định, năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, cho thu trên 300 triệu đồng/ha/năm. Với thu nhập cao như vậy thì các loại cây trồng truyền thống ở đây khó có cây nào sánh được. Vì vậy, diện tích trồng tiêu của xã những năm qua tăng rất nhanh, hiện nay đạt 141ha, trong đó riêng ấp 3 chiếm tới 70% diện tích toàn xã”.

Trưởng phòng NN-PTNT Gò Quao Lê Hữu Toàn cũng đánh giá cao hiệu quả kinh tế mà cây hồ tiêu mang lại. Theo ông Toàn, sức hấp dẫn từ nguồn thu nhập mà cây tiêu mang lại đã giúp cho phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Nhất là chuyển đổi từ vườn tạp, đất trồng tràm, trồng lúa kém hiệu quả để trồng tiêu, doanh thu cao gấp 5 - 8 lần so với trồng lúa.
 

Quy hoạch phát triển

Nhờ có hiệu quả kinh tế cao mà nghị quyết Đại hội Đảng huyện Gò Quao đã chọn cây hồ tiêu để quy hoạch phát triển. Theo đó, sẽ phấn đấu nâng diện tích trồng hồ tiêu theo nhu cầu đăng ký của các địa phương trong vùng bổ sung quy hoạch lên 238ha vào năm 2020, tập trung ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Trong đó, diện tích phát triển trồng mới khoảng 100ha.

Quy hoạch phát triển diện tích cây hồ tiêu còn giúp người dân có thêm thu nhập từ nghề ươm giống cung cấp cho các hộ trồng mới

 

Ông Lê Hữu Toàn cho biết, việc quy hoạch đề án phát triển cây hồ tiêu của huyện nhằm khắc phục tình trạng trồng tự phát, canh tác nhỏ lẻ, chưa có các dịch vụ sơ chế, chế biến, tồn trữ đảm bảo kỹ thuật, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, dẫn đến giá thành cao, chất lượng kém…

Thông qua đề án quy hoạch, giúp huyện mở rộng diện tích và phát triển cây tiêu bền vững. Trong đó, chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý tốt sâu bệnh, dựa trên các biện pháp canh tác và quản lý dinh dưỡng hợp lý, kết hợp sử dụng phân hữu cơ và sử dụng phân hóa học cân đối; phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học, giảm sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
 

Áp dụng cơ giới hóa để hạ giá thành sản phẩm. Xây dựng mô hình nuôi, trồng xen canh với cây tiêu ở giai đoạn đầu, chưa thu hoạch sản phẩm (2 năm đầu) để nông dân có thu nhập lấy ngắn nuôi dài. Hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất hàng hóa lớn.

Huyện Giồng Riềng cũng đã quy hoạch phát triển cây tiêu trên đất phèn trồng bằng trụ tràm sống. Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng cho biết, trước đây huyện quy hoạch diện tích trồng cây tiêu là 50ha. Nhưng do hiệu quả kinh tế cao nên đến nay đã phát triển lên đến 161ha, tập trung nhiều ở hai xã Hòa Thuận và Ngọc Hòa. Huyện cũng đã hỗ trợ địa phương thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Hòa Phát (xã Ngọc Hòa) nhằm liên kết sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo đầu ra thuận lợi cho nông dân.

Đào Trung Chánh
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn