Tài nguyên nước- Tài sản vô giá của người dân Tây Nguyên
14:50 - 30/11/2016
(MTNT) - Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế chính với tỷ lệ chiếm đến 90%. Do đó, nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Người dân Tây Nguyên phải rất vất vả để gùi về từng giọt nước sạch phục vụ đời sống và sinh hoạt


Thế nhưng, thời gian qua, theo những con số được tính toán thì hiện toàn vùng đang thiếu khoảng 5 tỷ mét khối nước/năm, dự kiến đến năm 2030 sẽ thiếu tới 5,5 tỷ mét khối nước/năm. Việc thiếu nước cũng đồng nghĩa với việc Tây Nguyên sẽ thiếu cả lương thực và cuộc sống người dân nơi đây sẽ vô cùng khó khăn.

 
Đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, vốn có 4 con sông lớn chảy qua gồm: Sông Sê San, sông Ba, sông Srêpôk và sông Đồng Nai. Trong đó, lưu vực của các sông Sê San và Srêpôk là hai phụ lưu quan trọng, đóng góp lượng nước lên đến 18% cho toàn bộ lưu vực sông Mê Kông.


 
Tuy nhiên, dưới áp lực của sự phát triển kinh tế như trong nhiều năm vừa qua, hệ sinh thái và cảnh quan môi trường ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững. Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp từ năm 2008- 2014 cho thấy, rừng ở khu vực này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, tổng diện tích rừng đã bị mất là 358.700 ha, tương đương mỗi năm chúng ta đang mất đi hơn 51.000 ha rừng.
 

Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch thống nhất trong phát triển thủy điện trên những dòng chính của các con sông lớn và dòng nhánh của sông Sê San, sông Ba (Gia Lai), sông Srêpôk (Đắc Lắc) cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút mạnh. Hiện nay, Tây Nguyên đã có 190 công trình thủy điện được xây dựng trên các sông, suối với tổng công suất thiết kế vào khoảng 7.923 kW (chiếm 20% công suất hệ thống điện quốc gia).


 
Quá trình mở rộng diện tích không theo quy hoạch của người dân để trồng một số loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, chanh dây… tại khu vực Tây Nguyên cũng dẫn tới tình trạng khai phá đất rừng một cách tùy tiện. Ngoài ra còn có các yếu tố khách quan khác như từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài bất thường cũng đã gây nên sự thiếu bền vững trong vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực này. Nguồn nước ngầm tại khu vực này thậm chí đang trong tình trạng kiệt quệ.
 

Một yếu tố bất lợi nữa là lượng mưa khu vực Tây Nguyên có sự sụt giảm mạnh, chỉ bằng 50- 60% so với quy luật nhiều năm, cộng thêm tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài nên nguồn nước ngầm cũng như nước của các con sông, suối suy giảm rõ rệt. Cơn khát lịch sử đang hiện diện từng ngày trên mảnh đất Tây Nguyên. Mực nước ngầm đã giảm sâu đến mức khó có thể khai thác đủ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân chứ chưa kể có nước để tưới cho cây trồng.

 

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ngay từ đầu năm 2016, tình trạng hạn hán đã xảy ra rất gay gắt ở khắp các tỉnh trong khu vực. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất cũng như đời sống của nhân dân trong vùng, nhất là ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ nên chưa chủ động được về nguồn nước.

 

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, tình hình khô hạn kéo dài làm thiệt hại lớn về cây trồng, đời sống người dân gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt cũng ngày càng tăng. Toàn vùng Tây Nguyên đã có khoảng 179.589 ha cây trồng bị hạn hán, ước tính tổng thiệt hại vào khoảng 5.431 tỷ đồng; hiện có khoảng trên 8.500 gia đình đang bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng. Ghi nhận tại một số địa phương, do thiếu nước sinh hoạt gay gắt nên người dân đã phải mua nước sinh hoạt từ các dịch vụ tự phát với giá từ 60.000- 80.000 đồng/m3.

 
Tại tỉnh Gia Lai, tình trạng cây trồng bị chết khô trên diện rộng, người dân thiếu nước sinh hoạt… tất cả đang là nỗi lo lớn bao phủ khắp vùng. Hiện có hơn 7.000 hộ thuộc địa bàn khắp các huyện như: Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro, Chư Prông... người dân đang lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt.
 

Hay như tại tỉnh Đắk Lắk, một điển hình cho hoàn cảnh khốn đốn này. Hiện toàn tỉnh có trên 6.000 gia đình đồng bào các dân tộc ở các huyện như: Krông Ana, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M’gar sử dụng các giếng đào và một số công trình cấp nước tập trung từ giếng khoan. Tuy nhiên, những nguồn cấp nước này cũng đang dần cạn kiệt nên hiện đồng bào cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. 

 

 

Theo Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư Đắk Lắk (Công ty cấp nước Đắk Lắk) tính toán, để có đủ nước sinh hoạt cho cả thành phố Buôn Ma Thuột, công ty sẽ phải khai thác và xử lý 50.000 m3/ngày đêm. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, công ty mới chỉ khai thác được có vẻn vẹn 33.000 m3/ngày đêm. Do nguồn nước cạn kiệt nên tỉnh đã buộc phải thực hiện việc cắt nước luân phiên (một ngày có một ngày không; hoặc 4 ngày không một ngày có nước) tùy theo từng khu vực.

 
Chúng ta phải nhận thức được một cách thấu đáo là biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra ngày càng mãnh liệt, với tần suất liên tục hơn. Do đó cần thiết phải có những đánh giá đúng về thực trạng để thay đổi tư duy, xây dựng được các giải pháp ứng phó về dài hạn giúp Tây Nguyên đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

 
Để sớm khắc phục tình trạng này, các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật do hạn hán gây ra trên từng địa bàn; kịp thời triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho đồng bào. 


 
Các tỉnh cũng đã có hướng dẫn cụ thể cho đồng bào trong việc nạo vét các giếng đào; những gia đình có giếng khoan mà vẫn còn nguồn nước thì tự nguyện bơm nước để giúp đồng bào trong từng thôn, buôn có nước sinh sạch sinh hoạt. Đối với những thôn, buôn thiếu nước sinh hoạt gay gắt, các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách của địa phương để tổ chức nhiều chuyến xe vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến, kiên quyết không để đồng bào thiếu nước uống, nước sinh hoạt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tuyệt đối không sử dụng nước đục, nước bẩn để ăn uống hay sinh hoạt nhằm tránh nguy cơ nhiễm dịch bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra.


 
Về lâu dài, để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của vùng Tây Nguyên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cả xã hội về an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả… thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đưa Tây Nguyên phát triển bền vững.

 
Mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình hạn hán tại tỉnh Gia Lai và chủ trì buổi làm việc với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo về lâu dài đối với việc bảo đảm nguồn nước cho vùng.


 
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan rà soát kết quả điều tra, tiếp tục tìm kiếm nguồn nước gắn với tạo nguồn hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên, tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý, khai thác nguồn nước để phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả, bền vững.

 
Thủ tướng cũng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác; kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng.



 

Nguyễn Trí
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn