Ôm nợ... nuôi tôm
Vùng nuôi tôm rộng trên 14ha. Trước đây đến vụ thu hoạch, khu vực này tấp nập người mua, kẻ bán. Xe ô tô đông lạnh thi nhau chạy để ăn hàng. Bây giờ thì "vắng như chùa bà Đanh"...
|
Vùng nuôi tôm tập trung xã Ngư Thủy Trung |
Xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có khoảng 45 hộ nuôi tôm trên cát ở khu nuôi tập trung.
Vùng nuôi tôm rộng trên 14ha. Trước đây đến vụ thu hoạch, khu vực này tấp nập người mua, kẻ bán. Xe ô tô đông lạnh thi nhau chạy để ăn hàng. Bây giờ thì "vắng như chùa bà Đanh". Người dân mong một phép lạ để vùng tôm được hồi sinh.
Nợ chồng lên nợ
Gia đình ông Trương Quốc Tuấn ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh lên xã Ngư Thủy Trung thuê đất làm hồ nuôi tôm gần 5 năm qua. Tính đến nay, ông đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để làm 5 hồ với diện tích hơn 1,5ha... Những năm trước, chuyện nuôi tôm như trúng số vì lãi lớn nên ai cũng mừng. Lúc đó, một hồ tôm (có diện tích từ 3.500 - 4.000m2) được đầu tư lần đầu, con giống, thức ăn, thuốc bệnh... khoảng 1 tỷ đồng thì sau 3 - 4 tháng thu hoạch bán cũng được 1,5 tỷ đồng. Cứ một hồ tôm trừ chi phí còn lãi ròng vài trăm triệu đồng/vụ. Chính vì vậy mà vùng nuôi tôm ngày càng được mở rộng và nhiều bà con tham gia nuôi.
Nhưng từ năm 2016 tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến cả vùng nuôi lâm cảnh nợ nần. Gia đình ông Tuấn cũng lao đao vì nợ và chấp nhận ôm nợ để tiếp tục nuôi tôm. Ông Tuấn cho biết trước đây tôm chết còn biết nguyên nhân như bệnh đốm trắng, bệnh gan... thì còn có hướng xử lý. Tuy nhiên, thời gian này thì tôm chết không rõ vì sao. Khi cấp nước vào hồ thì tôm chết rất nhiều, tôm không chết đột ngột mà chết dần dần. Vào những vụ tôm cuối năm, hiện tượng tôm chết đã ít dần đi, nhưng lại "vướng" vào chuyện tôm chậm lớn.
"Trước đây, tôm thả nuôi tùy theo chất lượng hồ và chế độ thâm canh có thời gian xuất hồ từ 3 - 4 tháng. Nay tôm nuôi đã 6 tháng mà vẫn chưa đạt được số lượng như trước", ông Tuấn phân trần.
Từ đầu năm đến nay, mấy vụ tôm như "tuốt" hết sức lực ông Tuấn. Hồ lỗ ít, hồ lỗ nhiều, hồ nào may mắn thì giữ được ngang vốn. Vốn liếng để dành từ mấy vụ lãi trước cũng lấp vào mấy vụ lỗ cũng không đủ. Ông Tuấn vay ngân hàng, vay bà con... tiếp tục "đánh" vào con tôm. Số nợ cũng đã lên đến con số tiền tỷ. Ông Tuấn bộc bạch: "May mà mấy đại lý thức ăn tôm chưa đòi ráo riết. Họ cũng chia sẻ với người nuôi, chứ không thì chết".
|
Người nuôi tôm hy vọng có chút lãi |
Cũng như ông Tuấn, các ông Trần Văn Trung, Ngô Văn Hoàng, Nguyễn Văn Khá... cũng đang ôm 1 - 2 hồ tôm chờ được giá. Chờ thì không biết đến lúc nào nhưng niềm tin ở họ thì cứ vơi bớt dần đi.
Ông Khá vừa đi thăm hồ tôm về nói trong nhăn nhó: "Tôm cũng cứ chậm lớn mặc dù thứ ăn đổ xuống không thiếu một lạng. Nếu vụ này mà lỗ thì tiếp vụ nữa phải đi vay nợ mà làm. Không chấp nhận vay nợ theo tôm thì biết làm gì. Chẳng lẽ tiền tỷ bỏ ra rồi bỏ không. Thôi thì cứ mong là lỗ ít, đến huề vốn và đến có lãi. Bây giờ vô thế phải theo lao chứ không dừng lại được nữa rồi".
|
Hiện tại, ông Tuấn có 3 hồ tôm. Một hồ thả nuôi được 6 tháng và 2 hồ thả được 3 tháng. Hồ nuôi 6 tháng thì đang ngâm vì giá xuống thấp. Nếu được giá thì còn lãi được chút bằng cái móng tay, còn không thì lỗ. "Tui neo lại chờ giá để còn hy vọng. Chứ bán mà lỗ thì lại đi nói khó mấy chủ nợ cho nợ thêm. Chừng nào tôm có lãi thì trả luôn một thể", ông Tuấn thêm chút lạc quan.
Nuôi... đột phá
Cũng nuôi tôm ở vùng tập trung, nhưng ông Ngô Minh Phiện lại có cách đột phá mới. Với kinh nghiệm gần 10 năm nuôi tôm ở vùng này thì từ đầu năm đến nay là lâm vào thế khó khăn nhất.
Cuối năm 2015, trời lạnh làm tôm chết hàng loạt đã khiến người nuôi lao đao. Bước vào đầu năm nay, tôm nuôi không hề lớn mặc dù chế độ thức ăn, sục khí, thay nước… vẫn như trước.
"Như vậy là nước biển ở tầng đáy nơi bà con thường lấy vào hồ tôm có vấn đề", ông Phiện suy luận.
Với suy nghĩ như vậy, ông Phiện làm liều bằng cách nuôi tôm bằng... nước ngọt. Ông khoan giếng trên bờ cát và lấy nước ngọt từ đó cho vào hồ tôm. Với diện tích 2,5ha (8 hồ), ông phải chi phí tăng thêm vì phải tăng lượng khoáng cho tôm. Mỗi lần tăng khoáng ông tốn vài trăm triệu đồng.
Ông Phiện cho biết, khi tôm được khoảng 3 tháng thì sẽ cho nước biển vào. Thay bằng lấy nước tầng đáy, ông bơm nước tầng mặt. Đến nay, các hồ tôm thả chăm sóc đã được hơn 4 tháng, tôm chậm lớn nhưng không còn hiện tượng chết nhiều như trước nữa.
Ông Phiện cũng dự tính thêm thời gian nữa sẽ thu hoạch vào dịp cuối năm. Nếu được giá thì cũng có lãi…