Dân gánh chịu thiệt hại do cá nuôi liên tục chết
13:16 - 27/10/2016
(MTNT) – Hiện tượng cá đột ngột chết hàng loạt ở khắp nơi đang gây nên cảnh nhọc nhằn đối với miếng cơm manh áo của người dân, khi mà bỗng chốc cả khối tài sản cùng với công sức bấy lâu chợt tiêu tan theo hàng tấn cá chết trắng. Bên cạnh đó, còn là câu chuyện làm sao để giữ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống an toàn khi mà rất nhiều sông, hồ đang kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm đã ngày càng thêm nặng nề, trầm trọng.
Hiện tượng cá chết bất thường, xác cá nổi trắng mặt hồ Tây


Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nóng bỏng, mang tính toàn cầu của cả nhân loại. Cụ thể là khi hiện trạng môi trường xuất hiện những chất độc, chất hại dẫn đến việc làm biến đổi môi trường nhanh chóng theo chiều hướng xấu đã gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của con người.


 
Thời gian gần đây, trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn đang nóng lên từng ngày khi phải liên tiếp đưa tin về những hiện tượng cá chết hàng loạt ở các sông, hồ tại nhiều nơi trong cả nước. Chính điều này cũng đã dẫn tới những mối lo ngại trong dân chúng về một cuộc sống với chất lượng đang ngày càng bị giảm sút.
 


Hiện nay, việc cá chết hàng loạt ở khắp các tỉnh từ miền Trung, miền Nam cho tới ngay cả ở giữa thủ đô Hà Nội, với tính chất vụ việc khó lường, mỗi ngày lại có thêm nhiều diễn biến phức tạp khác đang là tiếng chuông báo động về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, còn là sự hoang mang của cả xã hội, là mối lo lắng nghi ngờ của người dân cứ ngày càng tăng dần lên khi nguyên nhân khiến cá chết liên tục vẫn chưa được công khai một cách chính thức trong dư luận.
 

Sự việc ở Thanh Hóa vừa qua là một ví dụ. Chỉ trong có một đêm, toàn bộ số cá được nuôi tại lồng bè của 15 hộ gia đình ở Làng Kìm- xã Cẩm Ngọc- huyện Cẩm Thủy đã bị chết. Không chỉ có số cá nuôi lồng, cá sông tự nhiên cũng bị chết một cách bất thường, xác cá nổi trắng trên nhiều khu vực của sông Mã.

 

Theo phản ánh của người dân, ngoài xã Cẩm Ngọc, tình trạng cá chết còn được ghi nhận ở xã Cẩm Phong, thị trấn Cẩm Thủy... Sự việc diễn biến quá đột ngột đã khiến nhiều hộ dân chài trong vài đêm trở nên trắng tay. Hơn nữa, do cá bị chết vào thời điểm là ban đêm nên tới khi dân chài vớt được lên đem bán thì chỉ có thể tiêu thụ được một lượng cá nhỏ, với giá vài chục nghìn đồng mỗi kg. 
 

Theo lãnh đạo xã Cẩm Ngọc thống kê cho biết, số cá nuôi lồng bè của dân bị chết ước tính khoảng hơn 8 tấn, tương đương với giá trị 1,7 tỷ đồng. Cụ thể, trong tổng số 65 lồng nuôi cá của dân, có 42 lồng nuôi cá trắm cỏ, 23 lồng nuôi cá ké. Đây đều là những loại cá đặc sản, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Trước tình hình nguy cấp, cơ quan chức năng cũng ngay lập tức vào cuộc để xác định nguyên nhân cá chết và có phương án đề xuất bồi thường thiệt hại cho người dân.


 

Một vụ việc cũng đang gây bức xúc trong dư luận gần đây khi có khá nhiều người dân ở xã Long Sơn- huyện Tân Thành- tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mang xác cá chết ra Quốc lộ 51 chặn đường không cho xe lưu thông khiến giao thông tại đây bị ùn tắc. Mục đích của người dân là để phản đối tình trạng ô nhiễm trên sông Chà Và kéo dài, gây chết cá nuôi lồng bè nhiều lần. Lực lượng chức năng đã phải hết sức vất vả mới phân được luồng để cho các phương tiện được lưu thông trở lại.

 
Được biết trước đó, chỉ trong vài ngày đầu tháng 10, một số loại như cá bớp, cá chim nuôi lồng bè tại sông Chà Và bị chết và nổi lên diễn ra ở nhiều hộ dân khiến ai nấy đều thấy lo lắng, bất an. Tiếp đó, hiện tượng cá chết xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có nhiều con cá bớp nặng từ 2- 5 kg, sắp đến kỳ cho thu hoạch cũng thi nhau chết nên nhiều người dân buộc lòng phải mang xác cá đi đổ ở ven sông.

 
Theo các hộ dân, nguyên nhân khiến cá chết chính là việc xả thải tại cống số 6 của các công ty chế biến hải sản. Mỗi khi trời mưa xuống, cống thải mở ra để xả nước thải thì độc tố từ nguồn nước thải sẽ theo đó mà đổ ra nguồn nước làm nước trở nên ô nhiễm, cá chết hàng loạt. Chỉ tính riêng trong năm 2016, địa phương này đã có tới 4 lần hiện tượng cá bị chết vì ô nhiễm như trên.

 
Liên quan đến vụ việc cá chết, theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho thấy, hiện tượng cá nuôi bị chết xảy ra tại một số tiểu khu thuộc khu quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và. Tình hình thiệt hại sơ bộ cho thấy có 17 hộ xảy ra tình trạng cá chết, ước tính ban đầu có khoảng 91.700 con cá các loại (chủ yếu là cá bớp, cá chim) tương ứng với 65 tấn cá chết trong đợt vừa qua.
 

Đa số cá chết đều là cá thương phẩm đến thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, có trọng lượng từ 5- 8kg/ con, trong đó, có hộ bị thiệt hại tới 100% đàn cá nuôi của gia đình. Ước tính con số thiệt hại ban đầu của người nuôi cá vào khoảng 6,4 tỷ đồng.
 

Tại thành phố Hà Nội, ngay trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 9, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã báo cáo với Chính phủ về tình hình cá chết hàng loạt trên hồ Tây đang gây lo lắng cho nhiều người dân sinh sống quanh hồ. Tuy rằng các lực lượng được điều động tới xử lý sự cố về cơ bản đã vớt xong số cá chết, tính sơ bộ có khoảng 200 tấn; song về vấn đề nước hồ bị ô nhiễm và mùi hôi tanh gây ảnh hưởng tới cuộc sống của dân cư nơi đây thì sẽ phải cần thêm một thời gian nữa mới có thể khắc phục được triệt để.

 

Trước đó, qua kết quả kiểm tra nhanh các mẫu nước được lấy từ tầng mặt tại hồ Tây đã thể hiện chỉ số oxy = 0. Các lực lượng chức năng cùng với các nhà khoa học đang tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng gây mất ôxy bất thường này. Số cá chết được thu gom chở về bãi rác Nam Sơn- huyện Sóc Sơn để chôn lấp, xử lý theo đúng quy định. Để cứu những sinh vật còn lại trong hồ, Công ty môi trường đô thị cho tiến hành lắp đặt khoảng 40 máy sục khí ôxy khắp mặt hồ, đồng thời thả hoá chất xuống để giúp nhanh chóng làm sạch lòng hồ.

 

Trong buổi họp báo của Chính phủ ngay sau đó, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo tới các Bộ: Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam... tập trung làm rõ nguyên nhân cá chết ở hồ Tây để người dân được biết. Ông Mai Tiến Dũng nhận định, việc cá chết hàng loạt ở Hồ Tây là một sự kiện hy hữu, trước nay chưa hề có.

 

Theo đánh giá ở góc nhìn của các nhà khoa học, GS-TSKH Trần Hữu Uyển- một chuyên gia trong ngành nước của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định, nguyên nhân chính là do nguồn chất thải, nước thải từ các chung cư, nhà hàng nổi, khu dân cư… chưa qua xử lý được đổ xuống hồ quá lớn đã khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

 

Có thể thấy, những điểm chung của tất cả sự việc nêu trên chính là một khi sinh kế và đời sống của người dân bị ảnh hưởng do môi trường bị hủy hoại thì đều gây ra tổn thất và sự bức xúc trong dân như nhau. Đây cũng chính là điều mà các cơ quan của Chính phủ cần hết sức quan tâm bởi lẽ đó còn là hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý của một số ban ngành các cấp tại các địa phương đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sông, hồ như trên.
 

 

Vì thế, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở các sông, hồ trong cả nước không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều; nó đòi hỏi cần có chiến lược lâu dài cũng như sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Các tổ chức tại địa phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức được tầm quan trọng bảo vệ môi trường, có ý thức chung sức gìn giữ bảo vệ nguồn nước sông, hồ.

 

Đức Thái
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn