Cùng với hàng loạt bò và tôm hùm chết ở đồng bằng, tình trạng sắn (mì) thối củ ở miền núi đang “khoét sâu” nỗi đau của nông dân vùng lũ lụt Phú Yên...
Ngày 11.11, theo Sở NNPTNT Phú Yên, đợt lũ lụt đầu tháng này đã làm nông dân nhiều vùng trong tỉnh thất thu nặng nề do sắn ngập úng, trốc gốc, thối rữa củ. Chỉ riêng huyện Đồng Xuân đã có trên 1.100ha sắn đến kỳ thu hoạch phải… bỏ không.
Lũ triệt đường sống
|
Nông dân huyện Đồng Xuân đang tận thu sắn bị ngã đổ, ngập úng sau lũ lụt. Ảnh: H.P |
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà máy và chính quyền địa phương, sau lũ chúng tôi vận động bà con khẩn trương ra đồng tận dụng công nhà thu sắn để vớt vát lại phần nào, không nên buồn chán gây thiệt hại kinh tế lâu dài”.
Ông Đặng Ngọc Anh - Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân
|
Sau một tuần “chịu trận” ở vùng rốn lũ xã Xuân Long (Đồng Xuân), gần 2ha sắn ven sông Kỳ Lộ của ông Trần Hoàng Thiên bị tàn phá hoàn toàn. “Lũ núi càn quét sạch trơn rồi. Lớp ngã đổ, lớp bật gốc, lớp bị thối rữa do ngâm nước lụt nhiều ngày. Nếu cố gắng tận thu thì lỗ tiền thuê nhân công, vận chuyển. Mà cũng chẳng ai muốn mua sắn ngâm lụt vì độ bột thấp. Hàng trăm triệu đồng đi toi chỉ trong nháy mắt!” - ông Thiên thở hắt.
Tại xã Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân), hơn 1ha sắn sắp thu hoạch của gia đình bà Đỗ Thị Hòa đang “xếp hàng” xác xơ, lá rũ vàng do ngập úng mấy ngày liền.
Bà xót xa: “Trước lũ, tui hy vọng gỡ gạc chút vốn đầu tư, mặc dù giá sắn tươi chưa tới 1.000 đồng/kg, giảm khoảng 700 đồng so với năm rồi. Giờ thì sắn tới kỳ thu hoạch mà nhổ lên thấy củ nào cũng thối rữa, hôi sình! Bao nhiêu dự định trả bớt nợ, gửi tiền cho con ăn học coi như tiêu tùng hết rồi! Vợ chồng tui ráng đào gom những cũng chẳng được mấy củ, chất lượng lại thấp. Chẳng biết lứa sắn này có bán vớt vát được chút nào cho nhà máy hay không, còn tư thương thì cứ thấy họ… lơ lơ”.
Theo ông Trần Quốc Huy - Trưởng Phòng NNPTNT Đồng Xuân, cùng với hơn 1.100ha sắn đến kỳ thu hoạch bị “mất ăn”, nông dân của huyện còn bị hư hỏng hơn 300ha mía, 150ha lúa mùa, trôi chết hơn 25.000 gia súc, gia cầm... Tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp gần 13 tỷ đồng. “Lũ quá lớn lại rút chậm do mưa dầm. Nông dân bị thiệt hại hết sức nặng nề, nhiều người đang tỏ ra chán nản… Sản xuất nông nghiệp địa phương thật khó mà vực dậy được!” - ông Huy nói.
Nhà máy hỗ trợ
|
Nông dân Krông Pa thua lỗ nặng vì sắn bị ngập trong nước. Ảnh: VFP |
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân) cho biết: “Tại địa phương, nông dân trồng sắn tự phát khá nhiều. Chính vì không ký kết hợp đồng bao tiêu nên sau lũ, bà con thiệt hại rất nặng nề, nhiều hộ trắng tay vì sắn úng thối củ”.
Theo ông Huỳnh Văn Đồng - Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, huyện này có tổng diện tích trồng sắn hơn 4.000ha, trong đó khoảng 80% nông dân ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy và được bảo hộ giá 1.700 đồng/kg cho sắn 30% độ bột. Như vậy, 20% diện tích còn lại, nông dân phải tự tìm đầu ra, đồng nghĩa với thua lỗ nặng vì sắn thối củ hoặc mất độ bột. Ông Đồng nói: “Chúng tôi thấu hiểu khó khăn của nông dân trồng sắn sau trân lũ này. Nhà máy quyết định khởi động chạy hết công suất, thu mua sắn từ ngày 7.11, sớm hơn nửa tháng so với mọi năm. Việc mua sắn đang ưu tiên cho những vùng trũng thấp, nguy cơ sắn bị thối củ cao. Dù giá sắn đang hạ thấp nhưng nhà máy vẫn ưu tiên cho bà con đã ký hợp đồng bao tiêu sắn với giá 1.700 đồng /kg. Với các diện tích không ký kết bao tiêu, chúng tôi cũng sẽ thu mua theo giá thị trường tùy theo chất lượng sắn”.
Cùng lúc, chính quyền Đồng Xuân đã có chủ trương cho nhà máy trên tạm ứng nguồn kinh phí dự phòng của huyện để hỗ trợ thu mua, giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Gia Lai: 1.500ha sắn chìm trong nước
Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết: Tại địa phương này, từ ngày 1 – 4.11 đã xảy ra mưa lớn; Thủy điện An Khê – Kanak cũng xả lũ có thời điểm lên đến 1.000m3/s khiến khu vực ven sông Ba và các vùng trũng bị úng ngập kéo dài từ 3-7 ngày. Theo báo cáo sơ bộ, tại huyện Krông Pa có đến hơn 2.000ha cây trồng các loại bị ngập, trong đó có hơn 1.498ha sắn. Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pa cho biết: Sắn là cây trồng chủ lực của huyện nhưng đều nằm ở mức thiệt hại trên 70%. Mỗi ha sắn người dân bị tổn thất trung bình 14 triệu đồng. Tính chung, nông dân trồng sắn toàn huyện thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Đăng Nhật
|