Sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển mà Formosa gây ra, ngư dân đánh bắt gần bờ ở Thừa Thiên - Huế lúng túng vì không biết sử dụng khoản tiền này vào việc gì để mang lại hiệu quả kinh tế.
Tỉnh đầu tiên chi trả
Những ngày qua, ngư dân các xã Lộc Điền, Vinh Giang và Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) đã được chi trả tiền bồi thường thiệt hại đợt 1 (50% tổng mức thiệt hại) sau sự cố ô nhiễm môi trường biển mà Formosa gây ra. Tại xã Lộc Điền, đã có 5 chủ tàu thuyền gần bờ và lao động được chi trả bồi thường đợt 1 với tổng số tiền hơn 575 triệu đồng. Trong đó, có 4 tàu thuyền công suất từ 20 - 50CV được chi trả 45 triệu đồng/chiếc, 1 tàu thuyền có công suất từ 50 - dưới 90CV được chi trả gần 62 triệu đồng; 14 lao động trên những phương tiện này được bồi thường 333 triệu đồng.
|
Ngư dân xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nhận tiền bồi thường thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Ảnh: A.S |
Ngày 7.10, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc tạm cấp 3.000 tỷ đồng từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, Chính phủ cấp cho Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế 400 tỷ đồng để tạm chi trả cho người dân 50% số tiền bồi thường thiệt hại.
|
Tại các xã Vinh Giang và Vinh Hưng, ngư dân mỗi xã đã được chi trả hơn 200 triệu đồng tiền bồi thường đợt 1. Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, việc thực hiện chi trả bồi thường cho ngư dân các xã trên đã được tiến hành nhanh gọn, công bằng, nên không xảy ra tình trạng khiếu kiện. “Tôi và những ngư dân khác bị thiệt hại tại địa phương rất vui mừng, phấn khởi khi được chi trả tiền bồi thường. Nhà nước đã rất quan tâm và thấu hiểu sự khó khăn của chúng tôi sau sự cố Formosa”- một ngư dân xã Vinh Giang chia sẻ.
Ông Hồ Trọng Cầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, tổng mức bồi thường thiệt hại cho ngư dân ở huyện này theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hơn 276 tỷ đồng. Trong đợt chi trả lần 1 này, huyện được tỉnh tạm cấp 147 tỷ đồng để chi trả 50% tiền bồi thường. Từ 25.10, huyện tiếp tục tiến hành chi trả cho ngư dân 8 xã, thị trấn khác trên địa bàn. Trong đó, các xã Lộc Vĩnh, Vinh Hiền và thị trấn Lăng Cô là những địa phương nhận được tiền bồi thường thiệt hại nhiều nhất.
Tổng mức bồi thường thiệt hại do sự cố Formosa ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là 749,767 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ 400 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi có mục đích của tỉnh tạm cấp cho các địa phương để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại. Tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà, từ ngày 25.10, người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra cũng sẽ bắt đầu được nhận 50% số tiền bồi thường. Thừa Thiên- Huế là địa phương đầu tiên trong 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển thực hiện chi trả bồi thường cho ngư dân.
Lúng túng vì… tiền
Nhiều ngư dân ở các xã Lộc Điền, Vinh Giang và Vinh Hưng cho biết, mặc dù rất vui vì sớm được chi trả tiền bồi thường nhưng bây giờ họ rơi vào tình trạng lúng túng vì không biết sử dụng khoản tiền này vào mục đích gì cho hiệu quả. Nguyên nhân là lâu nay họ đánh bắt gần bờ, trong khi hoạt động đánh bắt này hiện đang gặp nhiều khó khăn, còn việc chuyển đổi nghề thì đến nay vẫn chưa có sự định hướng cụ thể nào.
Theo ngư dân Trần Kính (xã Lộc Điền), từ khi Bộ Y tế công bố kết quả phân tích mẫu thủy sản và thông báo các loại thủy sản an toàn cũng như không an toàn, giá cả thủy sản đánh bắt gần bờ giảm mạnh. Tình trạng này khiến tàu của ông cũng như nhiều tàu thuyền ở địa phương chuyên đánh bắt gần bờ tiếp tục phải nằm bờ. “Số tiền được bồi thường không đủ để đóng tàu khai thác xa bờ, muốn chuyển sang làm nghề khác thì không biết làm nghề gì vì từ trước đến nay tôi chỉ biết theo đuôi con cá. Không biết đầu tư vào việc gì cho hiệu quả nên tôi sợ mình sớm tiêu hết tiền” - ông Kính nói.
Ngư dân Nguyễn Thương (xã Vinh Giang) cho hay, sau khi nhận 91 triệu đồng tiền bồi thường đợt 1, vợ ông bàn dùng số tiền này để chuyển sang chăn nuôi hoặc mở dịch vụ kinh doanh. Tuy nhiên, ông đã không tán thành ý kiến của vợ vì để phát triển các lĩnh vực trên đòi hỏi vốn lớn và có mặt bằng. Hiện vợ chồng ông rất lúng túng vì không biết đầu tư số tiền bồi thường vừa nhận được vào việc gì để đưa lại hiệu quả kinh tế.
Trong khi đó, nhiều ngư dân khai thác xa bờ đều cho biết đã có kế hoạch để sử dụng tiền bồi thường hợp lý. “Sau khi nhận được tiền bồi thường, tôi sẽ đầu tư nâng cấp tàu và mua sắm ngư lưới cụ để khai thác hải sản hiệu quả tại vùng biển xa”- ngư dân Ngô Đức Tâm (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương mời các ngân hàng thương mại tham gia tại các buổi chi trả tiền bồi thường để người dân có thể gửi tiền tiết kiệm dễ dàng khi chưa sử dụng đến. Về lâu dài, địa phương sẽ có chính sách khôi phục, phát triển sản xuất phù hợp và xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân để không lãng phí tiền bồi thường.
* Hà Tĩnh chuẩn bị chi trả bồi thường: Ngày 24.10, ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tỉnh Hà Tĩnh đang chuẩn bị tiến hành chi tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại”. Còn ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thông tin: “Đến thời điểm này trên địa bàn còn một số thôn chưa kê khai xong, thị xã đang làm quyết liệt để tỉnh phê duyệt thực hiện việc bồi thường cho người dân sớm nhất”.
Hữu Anh
* Quảng Bình đã chuyển tiền đền bù về các huyện: Ông Mai Văn Minh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, tỉnh này đã chuyển số tiền đền bù thiệt hại của Formosa về các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh để tiến hành việc chi trả cho ngư dân. Trao đổi với NTNN, lãnh đạo một số huyện ở Quảng Bình cho biết, các huyện đang rà soát lại một lần nữa danh sách các đối tượng bị thiệt hại để tiến hành chi trả, chậm nhất là trong tuần sau ngư dân sẽ được nhận tiền đền bù.
Phan Phương
|