(MTNT) - Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, những năm gần đây, tình trạng sạt lở đã trở thành một vấn nạn nguy hiểm đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) khi mỗi năm, khu vực này bị nước cuốn trôi tới 500 ha đất.
|
Các khu dân cư được hình thành chạy dọc theo nhiều tuyến sông, kênh, rạch luôn tiềm ẩn nguy cơ khi xảy ra sạt lở |
Tại khắp các tỉnh vùng ĐBSCL có 265 điểm sạt lở với chiều dài trên 450 km. Một vấn đề nghiêm trọng nhất là hiện nay, hiện tượng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô. Nghịch lý này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch, với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn.
Hiện tượng sạt lở ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thường xảy ra nghiêm trọng hơn vào khoảng thời gian đầu và cuối của mùa mưa lũ. Đối với một số khu vực được xem là điểm nóng, tình trạng này còn xuất hiện nhiều, với quy mô lớn từ vài trăm mét đến cả vài cây số như: Thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang; thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp; thành phố Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long…
Đồng Tháp là tỉnh có vị trí nằm ở phía đầu nguồn sông Cửu Long, với trên 158 km chiều dài của sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa bàn cùng hàng trăm nhánh sông lớn nhỏ khác nên không tránh khỏi tình trạng sạt lở bờ sông vẫn đang diễn ra hàng năm. Điểm nóng tại thị xã Hồng Ngự khi mới vào đầu mùa mưa nhưng hiện tượng sạt lở bờ sông đã diễn ra rất phức tạp.
Mới đây, 2 đoạn bờ sông Tiền có chiều dài khoảng 100 m đã bị sạt lở sâu vào tới gần 20 m bờ bao. Đây là khu vực nằm trong vành đai sạt lở với tổng chiều dài hơn 3.000 m, đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Cũng tương tự ở huyện Lai Vung, tình trạng sạt lở bờ sông đang có nhiều diễn biến hết sức khó lường.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện đang có 2.141 hộ nằm trong vành đai sạt lở. Trong những tháng đầu năm, sạt lở đã khiến cho 1 căn nhà bị đổ sập, 13 căn nhà phải di dời khẩn cấp và 73 hộ khác bị ảnh hưởng, buộc phải di dời nhà đến nơi an toàn. Những vụ sạt lở bờ sông cũng đã làm mất đi hơn 3 ha đất, gây thiệt hại cho tỉnh hơn 10 tỷ đồng.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, đã nhiều năm qua tại An Giang, cứ đến mùa mưa lũ thì tình trạng sạt lở lại rình rập trên toàn bộ các tuyến bờ sông. Hiện tượng này diễn biến thường xuyên và liên tục đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực, đe dọa vấn đề an toàn giao thông và làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Theo ông Võ Hùng Dũng- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 51 đoạn sông cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài 165.150m. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm; 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm; 10 đoạn ở mức độ trung bình và 4 đoạn ở mức độ nhẹ.
Mức độ đặc biệt nguy hiểm đã được cảnh báo rõ ở những đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn gồm: Đoạn sông Tiền, chảy qua xã Phú An- huyện Phú Tân; đoạn sông Hậu qua xã Châu Phong- thị xã Tân Châu, qua xã Bình Mỹ- huyện Châu Phú và khu vực sông chảy qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình của thành phố Long Xuyên.
Một nơi khác cũng được xem là điểm nóng vì có nhiều điểm sạt lở nhất của tỉnh Hậu Giang là địa bàn thuộc huyện Châu Thành. Trước tình trạng gần đây liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, có nơi giao thông bị chia cắt hoàn toàn khiến người dân đang rất lo lắng. Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT của huyện, đã có ít nhất 30 vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn kể từ đầu năm đến nay. Hiện tại, huyện đang đề xuất chủ trương khắc phục với kinh phí gần 1 tỷ đồng nhằm để gia cố lại những điểm sạt lở trên các tuyến giao thông dân sinh, giúp cho người dân đi lại được dễ dàng hơn. Qua khảo sát cho thấy, hiện toàn tỉnh Hậu Giang có gần 60 tuyến sông, rạch với hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở, làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 1.400 hộ dân.
Chạy dọc theo tuyến đê biển của vùng bán đảo Cà Mau cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, hiện tượng kéo dài suốt từ hướng Đông sang Tây của tuyến đê. Hiện nay, nhiều nơi đã mất rừng, có nơi cây rừng bị sóng đánh bật gốc nằm la liệt, bờ biển bị sạt lở vào sát tới gần chân đê khiến cho cư dân sống quanh khu vực này lo lắng, nhiều người đã phải bỏ đi nơi khác để kiếm sống.
Tại đoạn đê khu vực Nhà Mát- thành phố Bạc Liêu, nhiều đoạn đai rừng còn lại rất mỏng; thậm chí có đoạn sóng đã đánh trực tiếp được vào tận chân đê. Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu, trên địa bàn đang có 2 điểm nóng bị sạt lở là đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến kênh 30/4 (dài khoảng 11km) và đoạn cuối từ kênh số 3 đến cửa sông Rành Hào (dài khoảng 4km). Tương tự, tình trạng sạt lở nghiêm trọng cũng đi qua địa phận các tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.
Nhiều chuyên gia cho biết, tình trạng sạt lở đất tại ĐBSCL có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Dòng chảy, việc khai thác cát bừa bãi, các đập thủy điện được xây dựng ồ ạt tại phía thượng nguồn…
Theo Viện Kỹ thuật biển, việc khai thác cát quá mức sẽ tạo ra những hố sâu dưới lòng sông và sẽ phải cần một khoảng thời gian rất dài, những hố này mới được bồi đắp trở lại nhờ dòng chảy. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, những hố sâu này sẽ lấy vật liệu ở bờ để tự bồi đắp, rồi lâu ngày, tại bờ sẽ xuất hiện hiện tượng hàm ếch. Nguy hiểm hơn, ở những chỗ khai thác cát sẽ bị sạt lở bờ rất nhanh.
Một trong những giải pháp khắc phục và chống sạt lở mà gần như tỉnh, thành phố nào trong vùng cũng đang đề xuất là làm bờ kè. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí khó khăn như hiện nay, sẽ rất khó để có thể đảm trách hết việc kè lại toàn bộ các tuyến sông, kênh rất dài và chằng chịt… Bên cạnh đó, thêm một đặc thù của người dân ở ĐBSCL là lâu nay vẫn hình thành các khu dân cư chạy dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch và kèm theo đó là các tuyến đường giao thông dân sinh; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lớn cũng bám theo sông Hậu, sông Tiền nhờ giao thông thuận lợi. Do đó, khi có tình trạng sạt lở xảy ra sẽ bị thiệt hại hết sức nặng nề.
Trước mắt, trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố có khu vực cảnh báo sạt lở cần thường xuyên thông báo diễn biến sạt lở qua hệ thống truyền thông địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân di dời ra khỏi vùng cảnh báo sạt lở; cắm biển báo giới hạn đoạn bờ sông cảnh báo sạt lở; giới hạn tải trọng các tuyến đường chạy qua đoạn cảnh báo sạt lở; theo dõi và kịp thời báo cáo các diễn biến bất thường có thể dẫn đến sạt lở.
Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm đối với mọi hành vi xây dựng công trình trái phép trong khu vực cảnh báo sạt lở, xây nhà trên sông, kênh, rạch. Các địa phương cũng nên tiến hành khoanh vùng cụ thể các khu vực sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm để trên cơ sở đó, có thống kê và lập kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân nhằm sớm ổn định cuộc sống.