Hai đợt mưa lớn dài ngày trút xuống Hà Tĩnh hơn một tuần qua đã nhấn chìm gần 1.900ha lúa HT. Không chỉ thiệt hại ngoài đồng, số lúa trong nhà cũng nảy mầm do không thể phơi.
|
Nông dân tranh thủ cứu diện tích lúa bị đổ ngã |
Theo tổng hợp nhanh của BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, tính đến ngày 25/9, toàn tỉnh mới chỉ thu hoạch được hơn 27.100/43.713ha lúa HT (gần 62% diện tích), còn hơn 16.000ha đang đứng ngoài đồng, chưa thể thu hoạch vì trời mưa to.
Trong đó, gần 1.900ha ở các huyện Hương Khê, Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn... bị đổ ngã, chìm sâu trong nước. Ngoài huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên đã thu hoạch đạt “quá bán”, các huyện còn lại bình quân mới chỉ được khoảng 30-40%.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho hay, hầu hết diện tích lúa HT trên địa bàn huyện đều đã chín rộ, cần phải thu hoạch gấp. Tuy nhiên, mưa lớn đã nhấn chìm, làm đổ ngã, hư hỏng hơn 900ha, tập trung ở các xã Thạch Lâm, Thạch Đài, Thạch Lưu, Thạch Vịnh... Ngoài diện tích bị nước lũ nhấn chìm, gần 4.000/7.513ha cũng đang phơi ngoài đồng chưa thể thu hoạch do mưa lớn.
Bà Nguyễn Thị Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà buồn rầu: “Nhà làm gần 6 sào ruộng, mới thu được 2 sào thì trời đổ mưa mấy ngày liền. Bây giờ cứ ngóng ra đồng ruột gan nóng như lửa đốt, phần vì lo lúa đổ gãy, phần thì nước lũ nhấn chìm, còn thứ trong nhà cũng không thể phơi được”.
Rốn lũ huyện miền núi Hương Khê chưa kịp “gặt chạy” diện tích bị ngập nước đợt mưa trước thì đợt mưa thứ 2 trút xuống khiến hơn 800ha bị hư hỏng. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thông tin: “Đã hơn 3 ngày lũ cô lập xã Phương Mỹ, chia cắt cục bộ các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hòa Hải, Hương Thủy, Hương Giang. Đời sống người dân thì không đáng ngại nhưng hơn 800ha lúa HT, 70ha ngô chìm nghỉm trong nước lo mất trắng. Ngoài ra 300ha bưởi Phúc Trạch đang thời kỳ cho thu hoạch cũng ngâm lũ mấy ngày rồi, có nguy cơ rụng quả, thiệt hại nặng”.
Để cứu lúa, nhiều xã ở huyện Can Lộc như Trung Lộc, Đồng Lộc đã huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên xung kích đội mưa, xuống đồng giúp dân thu hoạch.
Vừa gạt nước mưa trên mặt vừa ôm bó lúa vớt dưới nước lên, chị Huệ, xã Trung Lộc thở dài: “Hôm lúa chuẩn bị chín cứ nghĩ năm nay được mùa, đùng một cái đến lúc cao điểm trời mưa tầm tã, xô đổ, nhấn chìm cả ruộng lúa 2 sào. Hôm nay may có các cháu thanh niên thu hoạch giúp không thì gia đình cũng vứt ngoài đồng luôn”.
|
Thóc đưa về nhà nhưng bị nảy mầm do không thể phơi sấy |
Hệ lụy mưa lũ gây ra không chỉ nhấn chìm hàng nghìn ha lúa mà còn đe dọa nhiều diện tích nảy mầm ngoài đồng. Riêng số thóc đã đem về nhà, bà con phải tận dụng... gầm dường, sàn nhà, bật quạt điện 24/24h để trau phơi. Hộ ông Nguyễn Văn Thường, xã Cẩm Lĩnh, tranh thủ trời ngớt mưa gặt 3 sào lúa đem về nhà. Vì chưa kịp tuốt nên ông phải bật quạt cho ráo nước, tuy nhiên biện pháp này không thể ngăn lúa nảy mầm. Ông Thường tặc lưỡi nói: “Lúa này chỉ để cho lợn ăn chứ người ăn sao được nữa”.
Thuận lợi hơn người dân các địa phương khác, thôn Đò Trai, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, may mắn có một chiếc máy sấy làm dịch vụ nên lúa gặt về bà con tranh thủ chở đến thôn để sấy. Ông Nguyễn Đình Trung cho biết: “Để chắc ăn những ngày khách đông, máy sấy không kịp chúng tôi thường hong bằng quạt điện, qua vài lần “de” cho khô bớt thì đưa lên sấy, vừa nhanh, vừa an toàn”.
Thực tế gần như năm nào người trồng lúa Hà Tĩnh cũng phải gánh chịu thiệt hại do mưa lũ. Thiết nghĩ chính quyền các cấp trên địa bàn cần quan tâm đến việc đầu tư thiết bị máy móc trong khâu chế biến, bảo quản nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.