Hà Nội trước vấn nạn ô nhiễm nước hồ
16:40 - 30/08/2016
(MTNT) – Từ cuối năm 2015, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho thấy chất lượng nước tại nhiều ao, hồ trên địa bàn Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số 30 hồ trọng điểm được phân tích thì có tới 6 hồ bị ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động của con người như: Xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao hồ để nuôi cá, kinh doanh…

Bảo vệ môi trường hồ xanh- sạch- đẹp chính là bảo vệ lá phổi xanh của con người


Nghiên cứu này cũng cho thấy, trong số 80 ao, hồ đã được đo đạc cụ thể, số ao, hồ có diện tích từ 1000 m2 trở lên chiếm 76%, số ao hồ nhỏ có diện tích dưới 500 m2 chiếm 17,5% và số ao hồ có diện tích từ 500- 1.000 m2 chiếm rất ít, chỉ có hơn 6%.


 
Trên cơ sở những đánh giá về hiện trạng ô nhiễm chất lượng nước của hồ, hiện trạng bờ và hành lang bờ của 120 hồ, ao đầm thì phần lớn các hồ có giá trị pH và nhiệt độ trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đa số các hồ có giá trị các chỉ tiêu còn lại đều không đạt yêu cầu, chỉ có 6 hồ mà tất cả các chỉ tiêu phân tích đạt yêu cầu chất lượng với mức độ phát triển tảo thấp.


 
Kết quả phân tích đã chỉ ra phần lớn các hồ đều bị ô nhiễm chất hữu cơ. Có tới 71% hồ có giá trị BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l); trong đó 14% hồ bị nhiễm hữu cơ nặng (>100mg/l); 25% hồ bị ô nhiễm nặng (BOD5 từ 50-100mg/l) và 32% có dấu hiệu ô nhiễm. Đồng thời, có 70% số lượng hồ có nồng độ oxy hòa tan (DO) dưới mức tiêu chuẩn cho phép (<4mg/l); 6 hồ có nồng độ DO dưới 1mg/l, nghĩa là hầu như không có sự sống của vi sinh vật.

 

Có thể thấy, ao, hồ là một phần quan trọng của cảnh quan chung trong các đô thị lớn, trong đó có thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống ao, hồ ở thủ đô đang phải chịu nhiều sức ép về môi trường. Thậm chí nhiều hồ đang bị ô nhiễm nặng và có nguy cơ trở thành những ổ dịch bệnh nguy hiểm.

 
Trên thực tế, các nghiên cứu báo cáo hồ Hà Nội gần đây cho thấy phần lớn các hồ đều trong tình trạng ô nhiễm, có nhiều hồ còn bị đánh giá mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê, hiện còn khoảng 50 hồ chưa được cải tạo và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 
Có hồ nước qua nhiều năm lắng cặn, không được nạo vét, dân xung quanh cấy rau muống nên hồ đã biến thành ruộng. Vì vậy, diện tích ao, hồ trên địa bàn thành phố ngày càng bị thu hẹp dần. Nếu không có các biện pháp xử lý dứt điểm, khó có thể khẳng định dịch bệnh sẽ không xảy ra, nhất là trong thời điểm khí hậu ngày càng nắng nóng như hiện nay.
 



Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gây ô nhiễm môi trường chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng vẫn đang được tùy tiện thải xuống hồ. Sự ô nhiễm này làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ dẫn đến suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt oxy, tăng lượng trầm tích trong hồ… Tình trạng kéo dài khiến cho nước của nhiều ao hồ đục bẩn, thậm chí có nhiều hồ, ao nước biến thành màu đen, hệ thống sinh thái hồ bị đe dọa và rối loạn nghiêm trọng.


 
Thống kê hiện nay, ở Hà Nội còn 26% số hồ ao chưa được kè, số hồ ao được kè một phần chiếm 8%, còn lại là đã được kè toàn bộ. Trái ngược với các hồ ao được kè, các hồ ao chưa được kè hoặc được kè một phần đang có bờ và hành lang bị phá hoại nghiêm trọng.

 
Hiện trạng hành lang bờ của các hồ, ao chưa được kè cũng nằm trong trạng thái đáng báo động khi có tới hơn 80% hàng lang bờ bị ô nhiễm. Trong đó, 62% rất bẩn, 20% bẩn và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt…

 
Những việc làm sai trái này đang làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, nhiều hồ còn có nguy cơ dần biến mất. Việc kè hồ tuy giúp chấm dứt những việc làm trái phép nói trên song nhiều hồ dù đã được kè nhưng cũng rất ô nhiễm, nước đục đen làm mất đi nền tảng sinh thái và thảm động, thực vật tự nhiên ven bờ- một điều rất quan trọng đối với hồ.


 
Có thể thấy, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng cũng đã quan tâm và có sự đầu tư lớn cho công tác cải tạo sông, hồ Hà Nội. Tuy nhiên, việc ô nhiễm sông, hồ và sự xuống cấp các cảnh quan của hồ vẫn là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý. Để có hệ thống hồ thực sự xanh - sạch - đẹp, rất cần có những giải pháp đột phá. Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở sông, hồ Hà Nội không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều mà đòi hỏi có chiến lược lâu dài và sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
 


 

Ngọc Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn