Phương thức liên kết của Cty IDI với các hộ dân là “khoán nuôi gia công”: Cty cung cấp thức ăn thủy sản và bao tiêu sản phẩm, còn lại người nuôi lo. Mức khoán gia công 4.600 - 4.800 đồng/kg, người nuôi có lời 900 - 1.500 đồng/kg...
|
Trung tâm kiểm nghiệm của Cty IDI |
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (Cty IDI) ở tỉnh Đồng Tháp liên kết với người dân nuôi cá tra đã mấy năm, hiện đầu tư cho 51 hộ với diện tích 142 ha. Dù có nhiều cố gắng và tiến bộ nhưng vấn nạn cá nhiễm kháng sinh vẫn là nỗi lo lớn.
Phương thức liên kết của Cty IDI với các hộ dân là “khoán nuôi gia công”: Cty cung cấp thức ăn thủy sản và bao tiêu sản phẩm, còn lại người nuôi lo. Mức khoán gia công 4.600 - 4.800 đồng/kg, người nuôi có lời 900 - 1.500 đồng/kg.
Năm 2015, giá cá liên tục giảm khiến nhiều người nuôi riêng lẻ bị lỗ, nhưng các hộ nuôi liên kết với Cty IDI vẫn có lời khá. Hộ nuôi sản lượng thấp nhất là 800 tấn, lời khoảng 1 tỷ đồng; hộ nuôi sản lượng lớn nhất đến hơn 3.000 tấn, thu lời nhiều tỷ đồng.
Vướng mắc
Tính ra, trong năm 2015, lượng cá nuôi liên kết chiếm 79,7% tổng sản lượng cá nguyên liệu đưa vào chế biến xuất khẩu của Cty IDI. Lãnh đạo Cty IDI cho biết, trong tình hình chung còn nhiều khó khăn, chủ trương gắn kết với hộ nuôi thông qua chuỗi liên kết giá trị vẫn tiến triển tốt. Nhiều hộ nuôi yên tâm mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, theo Cty IDI, có một vướng mắc lớn trong quá trình đầu tư liên kết cần được tập trung tháo gỡ để phát triển ổn định. Đó là tình trạng cá bị nhiễm kháng sinh, năm 2015 dù đã giảm so với năm 2014 song vẫn còn nhiều.
Thống kê của Cty IDI, năm 2015 thu hoạch 167 ao cá, có 68 ao bị nhiễm kháng sinh, chiếm tỷ lệ 40,7%. Vấn nạn này có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân chủ quan là hộ nuôi dùng kháng sinh không hợp lý, kháng sinh đã bị cấm để điều trị cho cá khi bị bệnh.
Còn nguyên nhân khách quan, cá bị nhiễm từ nguồn nước có chứa chất bảo vệ thực vật. Dù nguyên nhân nào thì tình trạng cá nhiễm kháng sinh đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của Cty IDI.
Theo lãnh đạo Cty, có thời điểm cá đầu tư liên kết nuôi bị nhiễm kháng sinh nên phải mua cá nguyên liệu bên ngoài để chế biến giao hàng cho khách. Những ao cá phát hiện nhiễm kháng sinh, khi xử lý được kháng sinh thì cá lại quá lứa.
Ở Sóc Trăng, Sở NN-PTNT thống kê trên thị trường có 5.000 - 6.000 loại thuốc, hóa chất phòng trị bệnh, xử lý môi trường phục vụ nuôi thủy sản, người dân rất khó xác định chất lượng. Gần đây, Sở kiểm tra 314 cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, phát hiện 49 cơ sở kinh doanh hàng hóa không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. |
Từ đây có thể hiểu thêm các khó khăn trong chế biến xuất khẩu cá tra. Những doanh nghiệp như Cty IDI đồng hành cùng người nuôi từ ao cá, mà vẫn rất vất vả kiểm tra nguyên liệu để loại trừ kháng sinh. Nên số liệu của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2015, cả nước có 14 lô hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu sang châu Âu bị trả về do phát hiện nhiễm kháng sinh, con số có giảm so với năm 2014, song vẫn thật đáng lo ngại.
Giải pháp
Hiện nay, tất cả các ao cá liên kết nuôi của Cty IDI đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Với mong muốn loại trừ kháng sinh triệt để, Cty IDI đặt kế hoạch tăng cường hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho hộ nuôi, yêu cầu hộ nuôi không sử dụng các loại thuốc cấm trong qua trình nuôi.
Tuy nhiên, có những vấn đề vượt quá khả năng của Cty IDI và hộ nuôi, rất cần được các cơ quan nhà nước giải quyết. Đó là, nhà nước có quy hoạch hợp lý vùng nuôi chuyên canh, tạo điều kiện quản lý dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh, quản lý thị trường thuốc kháng sinh và chất cấm cũng cần khoa học hơn trước thực trạng đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc đề cập: “Thị trường có quá nhiều hóa chất, thuốc bổ dưỡng, chế phẩm sinh học, chất xử lý và cải tạo môi trường. Sự quá tải các thương hiệu, chất lượng không được kiểm soát làm cho người nuôi rối trí, sử dụng nhiều loại hóa chất một cách không cần thiết”.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, phải cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong thủy sản, kể cả kháng sinh chữa bệnh. Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, ông Đậu Ngọc Hào, nói: “Theo tôi, phải cấm hoàn toàn việc sử dụng, bất luận đó là loại gì, kể cả loại chữa bệnh đi nữa cũng phải cấm, đặc biệt là đối với thủy sản”.
Ông Hào phân tích: “Trên thực tế đối với thủy sản, ao nước mênh mông bát ngát, bệnh vi khuẩn thôi cũng chẳng chữa nổi, chứ nếu là bệnh do virus thì muốn chữa cũng chẳng chữa được. Thế nên thay vì bàn việc kiểm soát thế nào trên thủy sản, giải pháp sống còn, bền vững nhất vẫn phải là nuôi trồng an toàn sinh học”.