Phát triển chăn nuôi hiệu quả
09:49 - 02/11/2023
(MTNT) - Trong chăn nuôi thì công tác thú y, vệ sinh phòng dịch là một việc rất quan trọng. Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung.
Đối với chăn nuôi quy mô lớn và theo phương thức công nghiệp các hộ chăn nuôi phải xây hầm khí sinh học để tận dụng chất thải chăn nuôi sản xuất khí gas cho đun nấu và không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý ra môi trường


 
Trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc, mỗi năm khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ – khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm.


Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật.


Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao. Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.


Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, trong số 61 triệu tấn phân thải ra từ các loài vật nuôi chính thì 40% chất thải là từ chăn nuôi bò, 34% từ chăn nuôi lợn, 21% từ nuôi trâu và 6% từ gia cầm. Còn trong số 304 triệu tấn nước thải, chăn nuôi lợn chiếm nhiều nhất - trên 84%.


Một phần trong số phân và chất thải đó được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, hoặc là nguồn nuôi côn trùng cung cấp protein chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, một phần lớn hơn vẫn thải ra môi trường, vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường.


 Để giúp bà con nông dân vừa phát triển sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng vừa đảm bảo về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến sức khỏe bà con nên lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý.


Chuồng trại chăn nuôi cần cần đảm bảo hài hòa với các công trình khác, cách càng xa khu sinh hoạt với gia đình càng tốt, không bị gió lùa hoặc đầu gió; mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, thuận tiện cho chăm sóc, thuận tiện về nguồn nước, thuận lợi cho việc thu gom xử lý chất thải.


Nếu có thể nên xây chuồng trại xa đường giao thông chính, tránh được tiếng ồn và những hoạt động qua lại của con người nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh và dễ cách ly khi dịch bệnh xảy ra.


Mật độ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và sức đề kháng bệnh của vật nuôi, song hầu như ít được nông dân tuân thủ nên đã làm cho môi trường chuồng trại kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh và khả năng lây nhiễm bệnh cao.


Đối với từng loại gia súc, gia cầm đều có những khuyến cáo quy định về mật độ chăn nuôi và diện tích tối thiểu để đảm bảo cho sản xuất đạt hiệu quả tối ưu. Đối với đại gia súc mật độ nuôi bà con nên đảm bảo từ 3 -5m2/con, tiểu gia súc từ 0,5 -2m2/con, gia cầm 9-10con/m2 đối với gà thịt và 4-5con/m2 đối với gà giống.


 Đối với chăn nuôi quy mô lớn và theo phương thức công nghiệp yêu cầu các hộ chăn nuôi phải xây hầm khí sinh học để tận dụng chất thải chăn nuôi sản xuất khí gas cho đun nấu và không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý ra môi trường.


Đối với chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ thì trong quy hoạch chuồng nuôi phải xây dựng bể chứa chất thải lỏng và ủ phân có nắp đậy.


Hàng ngày tiến hành thu gom phân, rác trước khi xịt nước rửa chuồng để đưa vào hố ủ hoai mục làm phân bón. Bà con có thể dùng vôi bột + đất bột + phân lân + lá phân xanh hoặc trấu cùng ủ với phân.


Phân ủ hoai mục rất tốt vừa không có mùi, hàm lượng hữu cơ và đạm cao lại vừa không tồn tại mầm bệnh. Để ủ được phân gia súc làm phân bón, bà con có thể thực hiện theo 2 phương pháp sau: Phương pháp ủ nguội bà con gom phân chuồng về hố và nén chặt, bổ sung thêm chất độn chuồng như rác, trấu, rơm rạ và giữ độ ẩm khoảng 70%, dùng bạt hay nilon che phủ trên miệng hố, bổ sung thêm chế phẩm vi sinh (có bán sẵn trên thị trường) và chỉ sau 3-6 tháng phân đã hoai mục hoàn toàn, bà con có thể sử dụng phân này bón cho các cây trồng, làm giá thể trồng rau rất tốt.


Phương pháp ủ nóng được chuẩn bị như ủ nguội nhưng không cần nén chặt đống phân và định kỳ 2 tháng dùng dụng cụ xáo đống phân lại, cứ làm như thế khoảng 2 lần là phân oai mục, sau 3-4 tháng là phân hoai mục hoàn toàn. Cần làm ống thoát hơi từ đống phân lên cao để hạn chế mùi hôi phát tán.


Phương pháp xử lý bằng chế phẩm vi sinh hiện nay được sử dụng phổ biến đối với khu vực chăn nuôi có phát sinh chất thải lớn để giảm thời gian ủ phân.


Các bước được thực hiện như sau: Bước 1.Chuẩn bị nguyên liệu, vật tư: Phế thải chăn nuôi được tập trung thu gom lại và xử lý trước khi ủ để điều chỉnh độ ẩm, pH, kích thước nguyên liệu cho phù hợp với quá trình ủ compost: Để tăng khả năng hoai mục, bà con có thể điều chỉnh độ ẩm bằng cách để khô ráo tự nhiên hoặc trộn với chất độn như than bùn, mùn cưa, trấu hoặc phế phụ phẩm nông nghiệp (nếu có) theo tỷ lệ 50:50; Bước 2. Phối trộn: Để tăng hiệu lực của đống ủ, bà con nên bổ sung thêm rỉ đường: 5 kg ; 3 kg đạm; 5 kg lân cho mỗi tấn phân ủ và 0,2kg chế phẩm vi sinh. Bà con cho chế phẩm vi sinh vật vào nước, khuấy đều cho tan hết sau đó dùng  thiết bị tưới đều lên nguyên liệu ủ đã bổ sung thêm đạm, lân.

Mật độ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và sức đề kháng bệnh của vật nuôi, song hầu như ít được nông dân tuân thủ nên đã làm cho môi trường chuồng trại kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh và khả năng lây nhiễm bệnh cao



Độ ẩm của khối ủ cần đạt 50-55% là tốt nhất. Bước 3.  Ủ và đảo trộn: Tiến hành đánh đống ủ theo hình khối hoặc hình chóp với kích thước: cao 0,6-1 m; rộng 1,2 m tùy theo lượng phân bà con có. Dùng nilon phủ kín bề mặt khối ủ để tăng nhiệt độ cho đống ủ, sau một tháng là phân ủ hoai mục hoàn toàn và có thể sử dụng được.


Nếu có điều kiện về nhân lực, bà con có thể tiến hành đảo đống ủ để tăng hoạt tính của vi sinh vật để rút ngắn thời gian ủ. Khi đảo thì cần đảo từ trên xuống dưới, sau khi đảo lại tiến hành ủ như bình thường.


Nếu đảo trộn được 1-2 lần, mỗi lần đảo cách nhau 4-8 ngày thì chỉ sau 21 ngày là đống ủ hoai mục hoàn toàn và có thể sử dụng làm phân bón bón cho cây trồng.


Ngoải ra, để hạn chế mùi hôi ở chuồng trại bà con nông dân có thể mua các chế phẩm vi sinh để xử lý. Các loại chế phẩm này được bán phổ biến trên thị trường hoặc liên hệ với Viện Môi trường Nông nghiệp để được hỗ trợ kỹ thuật. Khi sử dụng chế phẩm bà con pha với nước và phun trên bề mặt diện tích chuồng để giảm mùi hôi.


Ngoài việc hàng ngày tiến hành dọn vệ sinh phân rác và nước tiêu vật nuôi, bà con cần định kỳ hàng tuần quy định 1 ngày thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để đốt và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh cư trú hoặc tiềm ẩn trong môi trường.


Xung quanh khu vực chăn nuôi tiến hành trồng cây xanh nếu có diện tích để tạo bóng mát và chắn được gió lạnh, gió nóng, ngoài ra cây xanh còn quang hợp hút khí CO2 và thải khí Orất tốt cho môi trường chăn nuôi.


Như vậy, công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giữ gìn môi trường sinh thái. Việc xử lý chất thải chăn nuôi được thực hiện dễ ràng để vừa tạo ra các loại phân bón hữu cơ có giá trị, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.


 

Hải Châu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn