Mô hình lúa - cá góp phần giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang ở ngoại thành Hà Nội, cho thu nhập cao gấp hơn 4 lần so với chỉ cấy lúa đơn thuần.
Biến bất lợi thành lợi thế
Huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) có gần 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp hàng năm, được phân thành 3 vùng theo địa hình gồm vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng, vùng bãi đáy. Bên cạnh các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, trong quá trình sản xuất, người dân cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình, đặc biệt là các xã vùng bán sơn địa như Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Mãn, Tuyết Nghĩa, Đông Xuân… Tình trạng bỏ ruộng hoang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong vụ mùa.
Đối với xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), hiện đã dồn điền đổi thửa, thuận lợi hơn để chuyển đổi từ ruộng cấy lúa một vụ bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã triển khai mô hình nuôi cá - lúa tại đây với quy mô 3ha gồm 2 hộ tham gia.
Theo ông Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai, mục đích của mô hình nhằm giúp người dân thay đổi sản xuất từ cấy lúa truyền thống kém hiệu quả sang kết hợp lúa - cá để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tình trạng bỏ ruộng hoang vụ mùa. Khi kết hợp cấy lúa - nuôi cá, giúp lúa giảm sâu bệnh, giảm chi phí công làm đất, tăng độ phì nhiêu của đất, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, tận dụng được diện tích mặt nước, lúa chét vụ mùa làm thức ăn cho cá, giảm chi phí thức ăn, tạo hệ sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn.
Các hộ muốn tham gia mô hình phải đáp ứng được về lao động, vốn đối ứng cũng như diện tích ruộng nuôi, ao nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn, không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi. Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã thuê 1 cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản để hợp đồng theo dõi, bám sát cơ sở, chỉ đạo mô hình.
Khi công tác chuẩn bị ruộng nuôi, ao nuôi cá của các hộ đã hoàn tất, nước đạt màu vỏ đậu xanh hoặc lá chuối non thì tiến hành cấp cá chép giống với tổng số 30.000 con, trong đó nhà nước hỗ trợ 15.000 con, hộ nuôi đối ứng 15.000 con giống. Giống đạt kích cỡ 8 - 10cm/con, trọng lượng 10g/con, khỏe mạnh, đồng đều, không dị hình, không mang mầm bệnh, nguồn gốc rõ ràng.
Nhằm hỗ trợ một phần vật tư để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai hỗ trợ cho hộ tham gia mô hình 50% thức ăn công nghiệp, 50% chế phẩm sinh học.
|
Chuẩn bị ruộng nuôi tại mô hình cá - lúa |
Sau khi cấp cá giống, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Quốc Oai thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn hộ nuôi xử lý môi trường nước, quản lý thức ăn, kiểm tra trọng lượng cá, cách chăm sóc, đôn đốc hộ nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh cho cá, đặc biệt vào những tháng giao mùa bằng cách sử dụng các loại men tiêu hóa, vitamin C, tỏi. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn các hộ cách chăm sóc lúa đảm bảo song song với sự phát triển sinh trưởng của cá.
Thu nhập gấp hơn 4 lần cấy lúa đơn thuần
Tại các mô hình, cán bộ kỹ thuật đều ghi chép lại bằng nhật ký để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện, hàng tuần đều báo cáo tình hình sinh trưởng của cá lên Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội thông qua phòng chuyên môn, cán bộ phụ trách. Nhờ đó sau 9 tháng triển khai mô hình, trọng lượng cá khi thu hoạch đạt bình quân đạt 0,9kg/con, tỷ lệ sống đạt 71%, năng suất đạt trên 9,6 tấn/ha, hệ số thức ăn cần sử dụng để được 1kg cá là 1,185, năng suất lúa đạt hơn 3,4 tấn/ha.
Mô hình đã nâng cao ý thức của người nuôi trong việc quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh, đem lại sản phẩm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình được nông dân đánh giá mang lại năng suất cao hơn so với nuôi cá truyền thống tại địa phương và mong muốn được nhân rộng trong các năm tiếp theo.
Cụ thể, việc kết hợp giữa trồng lúa - nuôi cá cho lợi nhuận 89 triệu đồng/ha (trong đó lợi nhuận từ lúa xấp xỉ 11 triệu đồng, lợi nhuận từ cá hơn 78 triệu đồng). Trong khi đó, đa phần người dân tại khu vực làm mô hình chỉ cấy lúa vụ xuân, bỏ lúa vụ mùa (do ngập, sâu bệnh...) nên hiệu quả kinh tế thấp, chỉ đạt lợi nhuận 18,5 triệu/ha. Như vậy, việc tận dụng khu vực trũng thấp sang nuôi lúa - cá cho hiệu quả kinh tế cao hơn 4 lần so với chỉ cấy lúa như truyền thống và cao gấp 2 lần so với nuôi cá - lúa thông thường tại địa phương.
Về hiệu quả xã hội, mô hình nuôi cá - lúa là hình thức nuôi kết hợp mang tính bền vững, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xuyên suốt quá trình nuôi, người dân đã sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ cho ruộng nuôi nên nước cuối vụ nuôi khi xả thải ra môi trường đều trong ngưỡng cho phép, không gây ô nhiễm xung quanh.
Mô hình tận dụng được nguồn lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ hiệu quả kinh tế mang lại của mô hình, có thể nhân rộng để người dân các xã vùng ven Sông Tích hạn chế việc bỏ ruộng hoang.
Qua thực tiễn cũng đã thấy được những tồn tại chung là các hộ nông dân tham gia mô hình trước đây chỉ nuôi theo phương thức nuôi truyền thống, tận dụng thức ăn là chính, nuôi ghép các loại cá với nhau. Nay họ chuyển sang nuôi một đối tượng nên bước đầu có những khó khăn trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó,trước đây, nông dân quen với phương pháp nuôi cá truyền thống, khi nuôi cá - lúa chỉ tận dụng thức ăn tại chỗ từ cây lúa để nuôi cá trắm cỏ, thức ăn công nghiệp có sử dụng nhưng ít nên thời gian nuôi phải kéo dài.
Các hộ chưa biết cách quản lý môi trường nước ao nuôi, vẫn có thói quen tận dụng thức ăn thừa, phân từ gia súc, gia cầm để làm nguồn thức ăn cho cá nên cá hay bị chết mà không biết nguyên nhân. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư đối với mô hình chăn nuôi thủy sản thường lớn, nên người dân còn e ngại, tâm lý sợ rủi ro, đặc biệt là các hộ từ trước tới nay chưa tham gia nuôi cá bao giờ.
Bài học kinh nghiệm rút ra, để việc chuyển giao tiến bộ vào sản xuất đạt kết quả, thuyết phục, công tác triển khai cần chú trọng vào các yêu cầu sau: Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức, không bỏ ruộng hoang, tận dụng các chân ruộng trũng, thấp sang nuôi cá – lúa.
Cung cấp quy trình kỹ thuật, tập huấn, thăm quan các mô hình tiên tiến để các hộ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế giúp cho quá trình thực hiện mô hình đạt kết quả tốt hơn. Cán bộ chỉ đạo thường xuyên bám sát cơ sở, chỉ đạo mô hình thực hiện tốt đạt hiệu quả kinh tế cao. Có sổ ghi chép đầy đủ các số liệu kỹ thuật, thông tin và báo cáo với lãnh đạo những vướng mắc để kịp thời xử lý.
Để mô hình lúa - cá mở rộng một cách bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai kiến nghị: Mở các lớp tập huấn dài ngày cho nông dân tại cơ sở để có điều kiện đi thực tế và thực hành tại thực địa. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực áp dụng các loại chế phẩm sinh học vào nuôi thủy sản ở địa phương nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cũng triển khai mô hình nuôi cá - lúa tại xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) trên quy mô 2ha với 2 hộ tham gia. Kết quả cho năng suất lúa 6.648kg/ha, sản lượng cá đạt 8.626kg/ha, tỷ lệ sống của cá đạt 71%, hệ số thức ăn cần sử dụng để được 1kg cá là 1,0, thấp hơn 0,2 so với định mức hệ số thức ăn đối với mô hình nuôi cá - lúa thông thường. Lợi nhuận mô hình đạt 85 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận từ lúa là 18,5 triệu đồng, lợi nhuận từ cá là 66,7 triệu đồng. |