Theo nghiên cứu của chuyên gia, hạt nano vi lượng đóng vai trò như một yếu tố kích thích sinh học. Khi có tác động của nguyên tố vi lượng có kích thước nano, sẽ đánh thức tiềm năng và cây sẽ phát triển ở mức độ khác. Khi phun lên lá các hạt nano vi lượng, lá cây hấp thụ và cây được bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển tốt và cho năng suất cao.
Thời gian qua, Sở KH-CN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp nông thôn (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và đơn vị liên quan thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả... tại tỉnh Quảng Ninh, trong đó có cây na ở thị xã Đông Triều.
Thị xã Đông Triều hiện có khoảng 1.600 hộ trồng na với diện tích trên 800ha (gồm na dai và na bở). Vùng trồng na tập trung tại các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê... với sản lượng thu hoạch khoảng trên 6.500 tấn quả mỗi năm. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, na gối vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11.
Ông Nguyễn Văn Khoa (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, thị xã Đông Triều) chia sẻ, hiện gia đình ông có 0,5ha na sử dụng chế phẩm nano pha nước tưới cho cây. Sau 3 tháng sử dụng công nghệ nano, cây na trong vườn phát triển khỏe mạnh, lá xanh đậm hơn so với diện tích cây không tưới, hạn chế các bệnh trên cây như nấm rễ, vàng lá và các loài côn trùng có hại như rệp, nhện đỏ, bọ trĩ...
Có thể nói, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất hữu cơ, từ đó tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giúp hướng đến một nền nông nghiệp sạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Hiện nay, thị xã Đông Triều tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, chứng nhận hữu cơ và sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ, bảo quản và chế biến sản phẩm. Dự kiến, trong chuyển giao khoa học công nghệ, thị xã sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật.
Mục tiêu đến năm 2030, toàn thị xã Đông Triều có 1.150ha trồng na, năng suất bình quân cao hơn 15 - 25% hiện tại, đưa tổng lãi thuần từ cây na của thị xã đạt khoảng 260 tỷ đồng/năm. Đồng thời, địa phương cũng khuyến cáo các chủ vườn na có tuổi đời trên 20 năm, già cỗi thì nên thay thế, chuyển đổi giống na và chuyển đổi cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại những kết quả tích cực như sản xuất thử nghiệm giống lúa J02 ứng dụng phân bón sinh học công nghệ nano tại phường Phong Hải (thị xã Quảng Yên); ứng dụng chế phẩm nano trong trồng chè tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà)... Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất nông nghiệp góp phần tăng chất lượng nông sản, hình thành sản phẩm thân thiện với môi trường, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững. |