Được Tổ chức Good Neighbors tại Việt Nam hỗ trợ về kỹ thuật, các hộ dân ở thôn Tân Lập (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các thành viên.
Thuận lợi, dễ làm
Năm 2015, Tổ chức Good Neighbors tại Việt Nam đã lựa chọn, hỗ trợ để thành lập nhóm chăn nuôi gà sạch gồm 7 thành viên tại thôn Tân Lập. Đến năm 2018, các thành viên của nhóm chăn nuôi gà sạch cùng một số hộ dân khác đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ và chăn nuôi gà đồi Tân Lập với 18 thành viên. Từ khi thành lập, đến nay, HTX đã hình thành chuỗi sản xuất chăn nuôi khép kín, tạo được sự tin tưởng của các thành viên và hoạt động hiệu quả.
Nhiều gia đình trở nên khá giả từ khi trở thành thành viên của nhóm chăn nuôi gà sạch và Hợp tác xã Dịch vụ và chăn nuôi gà đồi Tân Lập, chị Lê Thị Hoa chia sẻ: “Năm 2015 khi được Tổ chức Good Neighbors hướng dẫn về kỹ thuật nuôi gà sạch tôi thấy khá dễ hiểu, bởi việc chăn nuôi gà thả đồi có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống của các hộ dân chúng tôi vẫn làm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, thì điều quan trọng nhất là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên; đặc biệt, thời điểm giao nhau giữa lứa cũ và lứa mới, sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, bổ sung thêm thức ăn xanh cho lứa gà mới nuôi”.
“Sau khi được Tổ chức Good Neighbors hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, con giống… gia đình tôi đã bắt tay vào việc chăn nuôi gà thả đồi với 100 con gà thịt. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô thì cho ăn thêm bã bia để nâng cao sức đề kháng cho đàn gà, kết hợp với đó đàn gà nuôi thả ngoài vườn hàng ngày nên chúng có thể tự kiếm thêm được các loại thức ăn khác trong tự nhiên như loại côn trùng và cây cỏ... vì vậy, đàn gà lớn rất nhanh, ít bệnh tật, thịt săn chắc, đảm bảo chất lượng khi xuất chuồng.
Đến nay, gia đình chị Hoa đang nuôi khoảng 1.500 con gà (bao gồm cả gà thịt và gà đẻ trứng). Theo chị Hoa tính toán, trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Với mô hình chăn nuôi gà thả vườn, những năm gần đây kinh tế của gia đình chị Hoa luôn ổn định và phát triển.
Chia sẻ về thành công trong việc chăn nuôi gà thả vườn ở Tân Lập, chị Lê Thị Hạnh - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và chăn nuôi gà đồi Tân Lập cho biết: Đến nay tổng đàn gà của các hộ tham gia mô hình đã có khoảng 15.000 - 16.000 con gà thịt và 3.000 gà đẻ trứng, với các chủng loại gà như: gà Ri Hòa Bình, gà lai chọi Thanh Lương, gà Phùng...
“Hiện nay chúng tôi đã hoàn thiện được quy trình chăn nuôi khép kín, từ nuôi gà đẻ trứng, máy ấp đến chăn nuôi gà thương phẩm và hỗ trợ các thành viên trong quá trình chăn nuôi trong việc bao tiêu sản phẩm. Từ đó, chăn nuôi gà của các hộ gia đình đã có hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, Hợp tác xã Dịch vụ và chăn nuôi gà đồi Tân Lập còn là nơi của nhiều hộ dân ở các địa phương khác đến để tham quan và học hỏi kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gà”, chị Hạnh cho hay.
Nhờ những thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi của các hộ dân ở thôn Tân Lập, đến nay mô hình này đã phát triển rộng thêm 3 nhóm chăn nuôi gà khác tại xã Vĩnh Long. Hàng năm, Tổ chức Good Neighbors vẫn tiếp tục hỗ trợ bà con ở các nhóm về kỹ thuật chăn nuôi mới, cách phòng trừ các loại bệnh phát sinh và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
|
Được chăn thả tự nhiên gà Tân Lập luôn có chất lượng thịt thơm ngon. Ảnh Trịnh Thu |
Tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh
Theo kinh nghiệm của chị Lê Thị Hạnh, việc nuôi gà thả vườn đòi hỏi người nuôi gà phải luôn theo dõi, quan sát tỷ mỉ đàn gà, khi có bất kỳ dấu hiệu lạ cũng phải được xử lý ngay. Để có con gà có mã đẹp, khỏe và thịt ngon đảm bảo chất lượng trong nuôi gà thương phẩm thì việc quan trọng là vấn đề phòng bệnh; người nuôi phải đặc biệt chú ý đến đàn gà ngay từ khi ấp nở cho đến khi nuôi thành phẩm cần phải lên lịch trình tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ ở từng giai đoạn bé, lớn và bổ sung các loại vitamin.
Gà là vật nuôi rất mẫn cảm với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thức ăn, nước uống hay môi trường, chính vì vậy, người nuôi cần chọn loại thức ăn có chất lượng cao, đảm bảo an toàn giúp gà dễ tiêu hóa, hấp thụ. Hơn nữa, ngoài việc phối trộn làm sao để bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, từ cám đến nước uống phải sạch. Trong quá trình nuôi gà thả vườn, nhất là các vườn cây ăn quả việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng cũng là vấn đề các chủ vườn cần hết sức quan tâm, tính toán phù hợp để không làm ảnh hưởng đến đàn gà nuôi.
Một điều cần chú ý trong quá trình nuôi gà đó là không nên để gà đói; khi gà còn bé mỗi ngày cần cho ăn 4 bữa (có 1 bữa vào ban đêm), sau 2 tháng thì thay đổi cách cho ăn, mỗi ngày cho gà ăn 3 bữa, mỗi bữa ăn đều thực hiện theo nguyên tắc “sạch”, tức là 1.000 con gà sẽ ăn hết 40kg cám mỗi bữa, thì chỉ đổ chừng đó, cho gà ăn trong 1 giờ đồng hồ thì dọn sạch máng ăn; nếu để thức ăn lưu trữ từ bữa này sang bữa khác sẽ bị mốc, khi đó gà ăn vào là sẽ bị đổ bệnh.
“Có thể nói, việc phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn ở thôn Tân Lập trong thời gian vừa qua đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo; biết áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân trên địa bàn” - chị Lê Thị Hạnh khẳng định thêm.
Good Neighbors tại Việt Nam (GNI) là một tổ chức nhân đạo quốc tế, phi lợi nhuận với các hoạt động lập kế hoạch, triển khai hoạt động và gây quỹ trong các lĩnh vực như giáo dục trẻ em, phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại 45 quốc gia. Lĩnh vực hoạt động chính của GNI bao gồm giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển sinh kế cộng đồng… thực hiện tại 4 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa. |