Kon Tum: Cá chết hàng loạt do dịch, dập chỗ này bùng phát chỗ khác
08:45 - 08/06/2018
Cá chết hàng loạt liên tục xảy ra ở huyện Đắk Hà (Kon Tum) hơn tháng nay và chưa có dấu hiệu ngừng lại, nguyên nhân ban đầu được xác định là do 2 chủng vi khuẩn Streptococcus, Pseudomonas.
Một vụ cá chết hàng loạt ở huyện Đắk Hà năm 2017

Ngày 7.6, ông Lê Thế Cương - Phó Phòng NNPTNT huyện Đắk Hà (Kon Tum) cho biết: Phòng vừa có báo cáo gửi lên Sở NNPTNT tỉnh, UBND huyện, Phòng TNMT và UBND các xã, thị trấn về tình hình dịch bệnh thủy sản xảy ra trên địa bàn huyện Đắk Hà.
 

Đến thời điểm này, dịch bệnh làm cho cá chết hàng loạt đã xảy ra gần 2 tháng. Theo đó, đã có 18 hộ bị thiệt hại do cá chết với số lượng gần 20 tấn (gồm các loại cá rô phi, rô đồng và trắm cỏ), ước tính giá trị hơn 600 triệu đồng.
 

Theo ông Cương, nguyên nhân khiến cá chết là do thời tiết thay đổi, nắng nóng và nhất là tình trạng mưa lũ mang theo nhiều bùn đất, vi khuẩn gây bệnh làm cho cá giảm khả năng đề kháng. Qua kiểm tra, trong các ao hồ có mật độ 2 chủng vi khuẩn gây bệnh là Streptococcus và Pseudomonas rất cao.
 

 

Trước đó, từ ngày 26.4 đến 14.5, Phòng NNPTNT huyện Đắk Hà đã nhiều lần xuống các địa phương kiểm tra tình hình các chết và hướng dẫn người dân cách điều trị, phòng bệnh cho cá. Phòng cũng báo cáo sự việc lên huyện, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh để có hướng chỉ đạo kịp thời, lấy mẫu đi kiểm tra.
 

Đến ngày 24.5, các mẫu nước đi kiểm nghiệm đều có kết quả dương tính với các chủng vi khuẩn Streptococcus, Pseudomonas. Ngày 3.6, Phòng mở lớp tập huấn phòng chống bệnh thủy sản, xử lý môi trường đúng cách và phát tài liệu đi kèm cho dân.
 

Qua đó, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chôn lấp cá chết, không vứt ra sông suối. Đặc biệt, tuyệt đối không lấy cá chết để ăn hoặc chế biến thực phẩm cho người, gia súc. Nếu phát hiện thủy sản, môi trường nước có dấu hiệu bất thường thì người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương.
 

“Những hộ gia đình bị cá chết trước đây cơ bản đã đã khỏi bệnh nhưng chưa ổn định thì lại phát sinh thêm các hộ có cá chết mới. Trước mắt, địa phương tập trung cùng người dân dập dịch, dự kiến khoảng 10-15 ngày nữa dịch mới được khống chế. Về việc hỗ trợ cho người dân bị cá chết, ngành sẽ làm thống kê và hỗ trợ theo quy định của nhà nước khi dịch đã kết thúc”, ông Cương nói.


Cũng tại huyện Đắk Hà, tháng 7.2017 đã xảy ra vụ cá chết hàng loạt rất nghiêm trọng tại xã Đắk Mar và thị trấn Đắk Hà, số lượng cá chết hơn 70 tấn, trị giá trên 2,4 tỷ đồng. Sau khi sự việc xảy ra địa phương đã trích một phần kinh phí của ngân sách địa phương hỗ trợ cho người dân nhưng bà con vẫn bị tổn thất nặng nề do lượng cá chết quá nhiều bởi chỉ tính riêng khoản kinh phí người dân thuê công vớt cá đưa đi tiêu hủy đã lên tới hàng chục triệu đồng.


Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn