'Chết đứng' khi nhìn thấy đàn vịt cả ngàn con trúng độc chết như ngả rạ
Mờ sáng, anh Chín ra trộn thức ăn cho đàn vịt 1.500 con ăn để chuẩn bị xuất bán. Cho vịt ăn xong, anh về nhà cách đó mấy trăm mét. Hơn tiếng sau, quay lại thì anh Chín “chết đứng” khi hơn 1.250 con vịt nằm chết như ngả rạ…
Có kẻ rắp tâm phá hoại!
Anh Nguyễn Chín (SN 1973), có 12 năm nuôi vịt thịt chạy đồng ở xóm Chánh Bắc, thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn (Bình Định). Ngày 13/5 vừa qua, anh Chín lùa đàn vịt 1.500 con từ cánh đồng xóm Tây (thôn Thuận Hòa) về nhốt tại khoảnh đất trống bên cạnh Bàu Năng thuộc đội 1, xóm Bắc (thôn Thuận Hòa).
|
Xác vịt chết la liệt |
Đàn vịt đã hơn 2 tháng tuổi, đạt từ 2,5kg/con trở lên, được 1 thương lái ở huyện Tuy Phước đặt mua, hẹn ngày 14/5 lên bắt, nên anh lừa vịt về vây lưới bên bàu nước nhốt chờ xuất bán. Vì bận việc, nên người mua hẹn lại mấy ngày sau lên bắt vịt, tức là anh phải nuôi vịt thêm mấy ngày nữa.
Chuẩn bị thức ăn cho vịt, anh Chín đổ bên cạnh nơi nhốt vịt 1 đống xác mì (sắn), mỗi sáng sớm anh vác từ nhà ra mấy bao cám, xúc xác mì trộn đều với cám cho vịt ăn. Vào khoảng 5h30 sáng 15/5, anh Chín vác cám ra rông cho đàn vịt. Vì sợ chúng chỉ lựa ăn cám, bỏ xác mì lại, nên anh Chín cố gắng trộn 2 loại thức ăn thật đều.
Cho vịt ăn xong, anh Chín về làm việc nhà. Đến 8h cùng ngày, khi ra thăm xem lũ vịt đã ăn hết chưa, anh Chín bỗng “chết đứng” khi nhìn thấy đàn vịt chết như ngả rạ, nằm sắp lớp trong rông lưới.
“Chỉ một lúc mà có đến 1.252 con vịt ngã lăn ra chết, gần như chúng chết đồng loạt, nằm xoải như chiếu trải. Nuôi vịt đã 12 năm nên tui biết đây không vịt chết do dịch bệnh. Dẫu dịch bệnh nghiêm trọng cỡ nào, chúng cũng chỉ chết lai rai, đằng này chết đồng loạt, nên tui nghĩ ngay là vịt bị bỏ độc", anh Chín bức xúc.
Nhìn đống xác mì, anh thấy có những hạt thuốc màu trắng đục, không mùi, rải đều trên lớp mặt. Có thể đây là 1 loại thuốc BVTV độc, thường dùng để xử lý đất trồng dưa hấu.
Gần 200 con vịt còn sống, là do chúng “nhỏ con” hơn lũ vịt kia, kém sức chen lấn nên ăn ít hơn. Tuy nhiên, mấy ngày sau đó chúng chết lai rai, số còn lại thì ngơ ngơ không muốn ăn, nhìn rất thương tâm.
Thú y khẳng định, vịt chết không do bệnh
Cán bộ Trạm Thú y huyện đã tiếp cận hiện trường, mổ khám tìm nguyên nhân vịt chết. Ông Lê Đình Quang, Trưởng trạm Thú y huyện Tây Sơn, khẳng định: “Sau khi mổ khám, chúng tôi không phát hiện bệnh, điều tra dịch tễ trong vùng cũng không có dịch. Nguyên nhân vịt bị ngộ độc là rất rõ ràng. Trực quan cho thấy trên đống thức ăn còn lại có rơi vãi những hạt thuốc BVTV dùng để xử lý đất”.
Ông Hồ Đức Hiệp, Trưởng Công an xã Bình Tân cho biết thêm: “Vụ việc đang được điều tra. Nhưng bước đầu cho thấy đàn vịt chết do bị bỏ thuốc độc trong đống xác mì, sau đó trộn với cám thực phẩm cho vịt ăn. Công an huyện đã phát động phong trào tố giác tội phạm để truy tìm đối tượng đầu độc đàn vịt của anh Chín”.
Về manh mối vụ việc anh Chín nói thêm, khi anh mới lùa đàn vịt từ cánh đồng xóm Tây về rông thả trên bãi đất trống cạnh Bàu Năng, đây là bàu nước mà ông H., người cùng địa phương, đã đấu giá để nuôi cá. Thấy anh Chín nhốt vịt, ông H. ra tận nơi tỏ thái độ không đồng tình, vì sợ vịt bơi ra bàu “quậy” làm chết cá.
Anh Chín nói, là chỉ nhốt vài ngày rồi bán, chứ không nhốt lâu, ông H. im lặng bỏ đi không nói gì. “Do lũ vịt đã quen tung tăng ngoài đồng, khi bị nhốt chúng bức bối, ban đêm tung lưới bơi ra bàu. Phải chăng ông H. nghĩ tui thả vịt “quậy” cá, nên ông đã nhẫn tâm hại tui cho bõ ghét”, anh Chín nêu nghi vấn.
Vợ anh Chín, chị Nguyễn Thị Hồng Ngang (SN 1977), nói như khóc: “Vợ chồng em đã đồng ý bán cho 1 người ở Tuy Phước 1.300 con vịt với giá 100 triệu. Người mua chưa kịp bắt thì vịt bị đầu độc chết trọi, mất cả vốn lẫn lãi. Vịt chết đã đành, vợ chồng em phải mất 500.000 đồng thuê xe tải chở xác vịt và mất thêm 1 triệu đồng thuê xe múc đào lỗ chôn 3 tấn vịt chết.
Công an huyện đã đếm số vịt chết rành mạch. Đàn vịt là tài sản duy nhất của gia đình, giờ chúng chết gần hết, những con còn sống cũng không dám bán vì chúng đã ăn thuốc độc, không biết sau này vợ chồng em phải xoay xở ra sao để nuôi con ăn học”.
|