Toàn xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có 120ha diện tích hành tím, được xem là vùng có diện tích trồng hành lớn thứ 2 sau huyện đảo Lý Sơn. Tính đến cuối tháng 5, thiệt hại do sâu hại lá hơn 40%, khiến nông dân lo lắng.
|
Diện tích trồng hành của nông dân thôn Thanh Thủy bị thiệt hại do sâu hại lá. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Lê Ngọc Anh, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, cho biết: " Gia đình trồng hơn 5 sào hành, nhưng sâu hại lá gây thiệt hại đến 70%".
Cũng theo ông Anh: “Ban đêm bướm bay rất nhiều, đục lỗ đẻ trứng bên trong lá hành, đến khi phát triển thành sâu thì nó bắt đầu ăn dần lá đến củ hành. Tôi đã phun nhiều loại thuốc khác nhau, cứ mờ sáng phun một lần, đến chiều tối lại phun lần nữa, nhưng không trị được sâu mà đặc tính loài sâu này là sống bên trong lá hành, ăn mòn đến khi lá héo chết. Thuốc phun không vào được bên trong lá, nên sâu không chết”.
Nông dân lại dùng cách chong đèn, bắt bướm đêm, nhưng cũng không thể bắt hết được vì tốc độ sinh sản bướm rất nhanh. Bướm đẻ ban đêm thành ổ 20-100 trứng trên cọng hành, con sâu dài 10-15mm, vòng đời khoảng 20 ngày.
Bà Huỳnh Thị Hoa (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải), trồng 4 sào hành, bà vừa thu hoạch 2 sào, còn lại hầu hết bị sâu hại lá. Bà Hoa cho biết: “Tình trạng sâu hại lá đã diễn ra 3-4 năm nay, nhưng không có thuốc trị sâu, dẫn đến diện tích trồng hành thiệt hại nặng”.
Ông Phạm Bá, Phó Chi cục phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chi cục đã giao cho Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bình Sơn tập huấn để nông dân trồng hành phòng sâu bệnh hại.
Trong tài liệu tập huấn giải thích những đặc tính loài sâu, giải pháp phòng bệnh. Chủ yếu là sâu vẽ bùa (dòi đục lá hành), đặc tính là rất khó phòng trừ do nằm bên trong lớp sáp của hành, rất dễ kháng thuốc, sinh sản mạnh trong mùa nắng. Ngoài ra, các loại sâu khác như sâu xanh da láng, tuyến trùng…
Việc tập huấn cho nông dân xã mặc dù được triển khai, nhưng theo ông Võ Chanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hải, thì số lượng nông dân đến tham gia rất ít, đa phần do thời gian chưa hợp lý.