Cây cam cho... quả đắng
15:09 - 14/12/2016
Sau khi phải gánh chịu 5 trận lũ lớn nhỏ trong vòng 2 tháng (10 - 11/2016), hàng trăm ha cam ở vùng Khe Mây, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chết và rụng quả, khiến người dân đứng ngồi không yên.
Từ đầu mùa đến nay hầu như ngày nào các hộ dân cũng phải ra vườn nhặt cam rụng đi đổ bỏ

 

Mấy năm qua, nhờ hơn 300 gốc cam mà gia đình ông Đinh Văn Thanh ở xóm 2, xã Hương Đô vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trung bình mỗi năm vườn cam cho thu nhập 100 - 200 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, sau các trận lũ liên tiếp, nhiều gốc cam vàng lá, héo queo, có cây nhổ lên đã thấy thối rễ từ lúc nào. Những cây còn sống và đậu quả thì vỏ cũng bị đen sạm và dày, khiến chất lượng và sản lượng giảm hẳn, thậm chí đến kỳ thu hoạch cam cũng rụng như ngả rạ gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Cầm những trái cam đen sạm trên tay, ông Thanh buồn rầu: “Đầu vụ thấy cam ra hoa, đâm nhiều quả, vợ chồng tôi mừng lắm. Chúng tôi vay mượn anh em mua phân bón chăm sóc, tính cuối năm thu hoạch kiếm tiền trả nợ. Nhưng gần tháng nay, cam bắt đầu rụng hàng loạt, tôi phải huy động người nhặt cam rụng đem đổ vì sợ lây lan sang những quả chưa bị bệnh”.

Ngồi bên cạnh, vợ ông Thanh tiếp lời: “Mấy năm trước, thời điểm này vườn cam nhà tôi khách nườm nượp vào mua, thu về hàng trăm triệu đồng nhưng năm nay chẳng thấy bóng dáng ai cả, người dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ. Hầu hết các hộ dân phải tự đưa cam ra chợ để rao bán. Dù chưa bán hết nhưng năm nay tôi chỉ mong kiếm đủ chi phí đầu tư phân bón thôi”.

Là một trong những hộ có diện tích cam lớn nhất xã Hương Đô, trung bình mỗi năm hơn 600 trăm gốc cam của gia đình ông Nguyễn Đình Chiến, xóm 3 cho doanh thu trên 400 triệu đồng. Thế nhưng năm nay gần như mất trắng.

Chỉ vào mấy gốc cam rụng ngổn ngang quanh gốc, ông Chiến chán nản: “Cam rụng nhanh và nhiều lắm. Công cả năm trời chăm bẵm cũng chỉ mong đến đợt thu hoạch này, mọi chi phí trong gia đình, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp đến đều nhìn vào mấy gốc cam vậy mà giờ rụng hết cả. Từ đầu vụ tới nay, ước tính sản lượng cam bị rụng lên đến cả tấn rồi”.

Vùng đất Khe Mây, huyện Hương Khê là địa danh nổi tiếng có 2 loại cam đặc sản là cam chanh và cam bù. Cam chanh cho thu hoạch khoảng giữa tháng 8 đến tháng 10 (ÂL); cam bù thu hoạch từ tháng 11 ÂL đến tháng giêng năm sau. Lẽ ra đợt này đang cuối kỳ thu hoạch cam chanh, chuẩn bị chuyển sang cam bù nhưng do ngập úng trong những đợt lũ liên tiếp vừa qua công với các loại dịch bệnh như nấm, bướm chích hút, đốm nâu, ruồi vàng… gây hại nên hàng trăm ha cam của người dân rụng quả ra rả. Vì sợ bệnh lây lan nhanh, nhiều hộ dân phải thuê người nhặt cam đi đổ.

Mặc dù tích cực cắt tỉa những cành cây hỏng, đào bỏ cây chết… nhưng lượng cam rụng vẫn không giảm, trong khi đó các thương lái cũng không còn mặn mà với việc thu mua khiến người dân hết sức lo lắng.

Một thương lái ở TP Hà Tĩnh lên thu mua cam cho biết, những năm trước, cam Khe Mây được mua tận vườn với giá từ 30.000 - 40.000 đ/kg nhưng năm nay có thời điểm giá rớt xuống chưa đến 10.000 đ/kg. “Nhắc đến thương hiệu cam Khe Mây thì ai cũng biết nhưng năm nay chất lượng cam thấp quá, thu mua về cũng khó bán”, thương lái này chia sẻ.

Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô nói: “Nhiều năm qua, cam Khe Mây trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Hương Đô. Toàn xã có 270ha trồng cam, tập trung nhiều nhất ở khu vực Khe Mây, đập Khe Ruộng, Động Chùa… Hiện tại có 150ha đang vào kỳ thu hoạch nhưng đợt lũ vừa qua gây ngập úng trên diện rộng khiến hơn 40ha cam bị rụng. Bên cạnh đó, chất lượng và sản lượng đều giảm hơn so với năm trước nên hiệu quả kinh tế sa sút hẳn”.

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho hay, toàn huyện có 1.800ha diện tích trồng cam, tập trung chủ yếu ở xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy. Năm 2015, sản lượng cam đạt khoảng 10.000 tấn, cho thu nhập khoảng 300 tỷ đồng.

Năm nay, với triển vọng nhân rộng giống cam trên địa bàn, huyện trồng mới thêm được 257ha. Tuy nhiên, do phải gánh chịu nhiều đợt mưa lớn cùng với 5 trận lũ lớn nhỏ chỉ trong vòng 2 tháng nên 320ha cam bị ảnh hưởng, trong đó 100ha chết, 220ha bị rụng quả. Ước tính sản lượng cam sụt giảm khoảng vài nghìn tấn; thiệt hại kinh tế có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.


Nga Đan
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn