Tổng lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn chỉ còn 220,6/578 triệu m3, đạt 38% dung tích thiết kế, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2015.
|
Nhiều hồ chứa nước ở Bình Định đã cạn kiệt |
Tỉnh Bình Định đang có gần 12.300ha lúa vụ hè đã gần cho thu hoạch, trên trà sạ muộn từ nay đến ngày "hái quả" còn cần 1 - 2 đợt tưới nữa, nhưng do các hồ chứa đã cạn kiệt, lúa héo hắt “thèm” nước.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, lượng mưa trong 5 tháng đầu năm 2016 bị thiếu hụt đến 54% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nửa đầu tháng 6, lượng mưa cũng chỉ đạt 40% so với TBNN.
Vắng mưa, mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh này đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ TBNN từ 0,2 – 0,6m. Mới đầu tháng 6 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nắng nóng cao độ trên diện rộng, nhiệt độ lên tới 38 – 39 độ C, độ ẩm có lúc xuống còn 42%.
Tổng lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn chỉ còn 220,6/578 triệu m3, đạt 38% dung tích thiết kế, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2015. Nếu không kể hồ Định Bình, các hồ chứa khác chỉ còn trữ được 89/352 triệu m3, đạt 25% thiết kế.
Riêng 15 hồ chứa lớn do Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý chỉ còn chứa được 196/458 triệu m3, đạt 43% thiết kế; 146 hồ do địa phương quản lý còn “thảm” hơn, chỉ còn 24,5/120 triệu m3, đạt 20% thiết kế.
Nước trong các hồ đang vẫn tiếp tục giảm nhanh, khoảng 8 -10 triệu m3/tuần. Hiện trên địa bàn Bình Định đã có 110/165 hồ cạn nước. Trong đó huyện Hoài Nhơn có 8/17 hồ, Phù Mỹ 46/48 hồ, Phù Cát 20/22 hồ, Hoài Ân 8/21 hồ, Tây Sơn 20/25 hồ, Vân Canh 3/5, Tuy Phước 2/4 hồ, Vĩnh Thạnh 2/3 hồ. Dung tích các hồ chứa thủy điện trên sông Kôn cũng ở mức thấp, thủy điện Vĩnh Sơn còn 24/137 triệu m3, 17,5% dung tích hữu dụng; thủy điện Trà Xom ở dưới dung tích chết.
Hạn hán căng thẳng nhất ở Bình Định là huyện Phù Mỹ. Toàn huyện đã có 44/48 hồ chứa khô cạn; 536ha lúa bị hạn, trong đó có 79ha thiệt hại hoàn toàn. Nguồn nước sinh hoạt cũng rất căng thẳng. Đặc biệt nghiêm trọng là tại huyện này đã có 4.580 hộ/18.971 nhân khẩu tại 13/19 xã, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến thời gian tới sẽ có khoảng 5.000 hộ thiếu nước.
Trước tình hình trên, huyện Phù Mỹ đã vận động người dân chuyển trên 1.000ha đất SX lúa sang trồng các loại cây trồng cạn. Bơm, khai thác mực nước chết từ các công trình hồ thủy lợi, để phục vụ nước tưới cho số diện tích lúa gần công trình; sử dụng các giếng khoan, giếng đào phục vụ chống hạn. Huyện Phù Mỹ cũng đã huy động hết công suất các công trình cấp nước tập trung, mở thêm đường ống dẫn nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo cho các địa phương theo dõi sát tình hình hạn, xâm nhập mặn; rà soát, cập nhật tình hình nguồn nước, tình hình thiếu nước SX và nước sinh hoạt đến cấp thôn, làng; xây dựng cụ thể phương án chống hạn, trong đó phải xác định nguồn vốn; ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, cấp nước cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, thực hiện tưới tiết kiệm; thống kê tình hình thiệt hại xây dựng dự toán hỗ trợ cho người dân theo chính sách để ổn định SX, đời sống; kiên quyết không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh.
“Chúng tôi đã chỉ đạo ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, hạng mục công trình cấp nước, ưu tiên xây dựng các cụm vòi cấp nước tập trung để cấp nước chống hạn. Chủ động sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí, ngân sách của địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Thường xuyên báo cáo vào sáng thứ tư hàng tuần về diễn biến tình hình hạn, các hoạt động ứng phó, tổng hợp thiệt hại, đề xuất nhu cầu gửi về Sở NN-PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.