Trong khi độ mặn trong các ao nuôi bình thường dao động khoảng 11 - 12 phần ngàn thì tại các vùng nuôi tôm tại huyện Cần Giuộc, Long An đo được 17 - 20 phần ngàn khiến hàng loạt ao bỏ trống, số còn lại lỡ thả thì có hiện tượng tôm nổi đầu, tấp mé.
|
Thuốc thú y thủy sản đang tiếp thị mạnh trong lúc mặn đe dọa các vùng tôm nuôi |
* Thuốc thú y thủy sản “té nước theo mưa”
Chúng tôi về xã Phước Vĩnh Tây, nơi có diện tích thả tôm vụ 1 (theo lịch từ ngày 15/2) lớn nhất huyện Cần Giuộc với khoảng 600 ha. Gặp ông Lê Trọng Nhân, cán bộ phụ trách khuyến nông, câu đầu tiên ông thốt lên: “Từ giữa tháng 2 đến nay mặn dữ lắm, cả xã mới thả khoảng 20 ha tôm nhưng toàn “đứng” không lớn, còn lại ao tôm bỏ trống. Vụ 1 năm 2015 thả 555 ha, năm nay dự đoán chắc chỉ đạt 50%”
Chúng tôi tìm gặp ông Phạm Văn Quí (51 tuổi, ấp 3), thả 3 ao tôm tổng cộng 6.000 m2 với số lượng 500 ngàn con giống, chi phí 50 triệu đồng (100 đ/con). Ông Quí đang lo ngay ngáy vì độ mặn tăng lên từng ngày.
Chỉ tay vào ao tôm rộng 2.000 m2 ông than vãn: “Năm nay nuôi tôm khó quá, mới thả giống được gần 1 tháng là thấy ngay tôm chậm lớn, có nơi hiện tượng tấp mé, nổi đầu rồi. Cùng kỳ tháng 3 năm ngoái, ở đây độ mặn có 13 phần ngàn, còn hiện nay lên 20 phần ngàn, hỏi ai chịu nổi”.
Tại xã Phước Lại, ông Nguyễn Quốc Bảo, cán bộ thú y xã chạy xe gắn máy đi trước, chúng tôi bám xe theo sau muốn hụt hơi để thị sát các vùng ao tôm nằm tập trung ở các ấp Long Bào, Hương Chài, Tân Thạnh A với diện tích lên đến 200 ha.
"Bắt đầu từ vụ tôm 2016, UBND tỉnh Long An ban hành quy định là các DN bán tôm giống trên địa bàn tỉnh, ngoài việc phải có phiếu xét nghiệm chất lượng tôm giống như lâu nay đã làm thì bắt buộc phải thuần dưỡng con giống tại các dèo ở địa phương ít nhất là 24 giờ" -Ông Huỳnh Trọng Nhân, phụ trách thủy sản - Trạm Thú y huyện Cần Giuộc. |
Vừa đi anh Bảo chỉ tay xuống những ao tôm nằm đan xen cạnh con đường đất làng khô cứng nói: “Thấy chưa, chỉ có mấy ao thả với diện tích khoảng vài ha thôi, còn lại đều bỏ trống hết. Nước mặn xâm nhập sâu từ đầu nguồn sông Soài Rạp vào Kênh Hàng, sau đó dẫn đến vùng tôm nên người ta sợ chưa dám thả. Cũng có một số hộ tranh thủ thả trước nhưng hầu hết đều “rớt” do tôm nổi đầu chết hàng loạt vì bệnh gan tụy cấp”.
"Sao biết đó là bệnh gan tụy?- tôi hỏi.
“Qua các năm tôi thấy khi ao tôm nhiễm mặn thì các con ốc, hàu chỉ... trong ao phát triển nhiều làm giảm mật độ tảo, lượng khoáng dinh dưỡng trong nước, đây chính là nguyên nhân gián tiếp làm tôm chậm lớn, dễ bệnh nhất là bệnh gan tụy. Nên nói ao tôm nhiễm mặn làm tôm chết là không phải, anh Bảo đáp.
Điều đáng nói là, trước tình hình nhiễm mặn đang đe dọa các vùng tôm, trên thị trường đang xuất hiện các loại thuốc thú y thủy sản của các doanh nghiệp được quảng cáo như là một “thần dược” chữa bệnh cho tôm trong điều kiện môi trường độ mặn thay đổi. Hầu hết các DN này trên địa chỉ đều nằm trong hẻm có số từ “1 - 2 suyệt”.
Các ao tôm bỏ trống do mặn xâm nhập
Ông Nguyễn Văn Thêm, ấp Long Bàu, thả 2 ao tôm rộng 5.000 m2 (từ ngày 13/2) đến nay được 25 ngày, do nước mặn cao nên ao tôm có hiện tượng phát sáng. Ông kể, gần như ngày nào cũng có nhân viên tiếp thị của các “Hãng tôm” (Cty thuốc thú y thủy sản) đến tận ao chào mới các loại sản phẩm vi sinh, diệt vi khuẩn... bằng cách trộn vào thức ăn hoặc pha nước tạt thẳng xuống ao. Nhiều loại lắm không kể hết được, nhưng có điểm chung là “hãng” nào cũng nói hay hết.
"Vậy chi phí sử dụng mỗi lần là bao nhiêu?", tôi hỏi.
“Như tôi đang dùng Toxix của một Cty ở huyện Hóc Môn, Pro fast, Stomach Max của Cty ở quận Bình Tân có giá trung bình 300 ngàn đồng/lít theo hướng dẫn là trộn vào thức ăn trước khi cho tôm ăn. Hiện cũng chưa biết kết quả thế nào nhưng số tiền mua thuốc đang nợ của đại lý cũng tăng lên mấy triệu đồng rồi!”, ông nói.