Nông dân lúng túng sau hạn mặn lịch sử
14:02 - 16/06/2016
Trong đợt hạn, mặn lịch sử tại ĐBSCL vừa qua, ngoài thiệt hại về cây lúa, hàng loạt nhà vườn cũng lao đao.

Khi những cơn mưa đầu mùa rớt xuống đồng đất, như mọi năm sẽ là một giai đoạn tất bật chuẩn bị vụ mùa mới, tuy nhiên, năm nay, ngoài nỗi lo thường trực như hàng trăm năm, còn có nỗi lo mới: Làm sao để rửa mặn, xổ phèn để cây trái, hoa màu phát triển.

Hàng loạt nhà vườn lao đao vì hạn mặn.

Khổ vì cứu cây trái gặp hạn

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện tượng nước mặn xâm nhập vào đất liền, xâm nhập vào các vùng cây ăn trái của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng và một số tỉnh khác vừa qua đã làm 9.400 ha bị ảnh hưởng. Nước mặn xâm nhập hệ thống kênh, rạch và mương sẽ gây tích lũy muối hòa tan trong đất, cường độ bốc thoát nước cũng như cường độ tích lũy mặn càng ngày càng tăng do nước mặn xâm nhập hoặc do người dân vô tình tưới cho vườn cây của mình. Đặc biệt, ở các vùng khô hạn sẽ có hiện tượng đất bị nhiễm mặn nặng nề, khi nguồn nước này được tưới cho cây ăn trái. Do đó, dẫn đến hàm lượng muối hòa tan trong đất cao làm cho áp suất thẩm thấu trong đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào cây trồng. Chính sự chênh lệch này làm cho cây trồng không hấp thu được nước và các chất dinh dưỡng, đồng thời làm cho màng tế bào vỡ ra, cây mất nước, dẫn đến cây bị héo sinh lý, nặng hơn có thể dẫn đến cây bị chết.
 

Ông Trần Văn Mảnh (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) thấy 1,2 ha cây sầu riêng của mình bị thiếu nước do khô hạn. Lo sợ cây chậm cho trái, ông huy động nhân công tưới nhằm chống chọi với cái nắng, cái hạn, nào ngờ độ mặn dưới ao đến 3 phần ngàn khiến sầu riêng rụng lá. Ông bùi ngùi: “Biết vậy, tôi tưới làm gì để cây càng héo thêm. May là tưới chưa hết diện tích, nếu không mùa này coi như trắng tay”.

Cùng cảnh với ông Mảnh, ông Dương Thanh Triều (huyện Chợ Lách, Bến Tre) thấy cây chôm chôm nhà thiếu nước cũng tưới. Hậu quả là vườn chôm chôm cho trái èo uột.

Đáng chú ý, khi trời đổ mưa, diện tích bị xâm nhập mặn chưa được rửa trôi, nhưng nông dân và nhà vườn tại Sóc Trăng gấp gáp xuống giống khiến cho trên 1.200 ha lúa bị thiệt hại và trên 200 ha vườn cũng héo lá.
 

Khát khao kỹ thuật như nắng hạn chờ mưa

Sau hiện tượng hạn, mặn tại ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam chính thức đưa ra khuyến cáo các cấp chính quyền cần quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, thay đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng bị ảnh hưởng lâu dài, không trồng các loại cây ăn trái nằm trong nhóm mẫn cảm với nước mặn như sầu riêng. Bên cạnh đó, nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng, tạo các gốc ghép chống chịu điều kiện hạn mặn, ngoài ra tăng cường hệ thống dự báo về tình hình xâm nhập mặn để người dân có biện pháp ngăn ngừa. Đối với những vườn cây đã bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, cần có biện pháp để cải tạo lại đất và cứu cây.
 

Với những người dân đã lỡ “tưới” phải nước mặn vào cây ăn trái, họ phải làm gì để không bị ảnh hưởng lâu dài? Về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Hậu - giảng viên Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) - cho biết, nếu lỡ tưới nguồn nước mặn cho cây, khi phát hiện nên dùng nước ngọt tưới thật nhiều lên vườn cây để rửa ion Natri trong dung dịch đất, để giải độc mặn trong đất, nếu ion Natri đã xâm nhập vào keo đất phải bón vôi để đẩy Natri ra ngoài dung dịch đất, tiếp tục tưới nước rửa mặn. Nếu vườn cây đã suy kiệt, cách để phục hồi lại là làm đất tơi xốp lên bằng cách hàng năm cung cấp phân hữu cơ cho cấu trúc đất, nước vào dễ và ra cũng dễ, thì khả năng rửa mặn sẽ dễ hơn.
 

Theo các nhà khoa học, kỹ thuật bón phân và lưu lượng phân bón cũng là vấn đề bà con nông dân cần lưu ý tới. Nông dân nên bón phân kali mà không dùng KCl, có thể sử dụng kali kết hợp để bón cũng có thể đẩy được NaCl. Để hạn chế sự độc hại của Natri, trước mắt phải bón thêm phân kali, phân kali sẽ đẩy nguyên tố Natri đi, giúp cho cây có khả năng chống chịu, kết hợp sử dụng bón Canxi (vôi) là hiệu quả; tùy theo điều kiện, bón vôi nung, nếu đất không phèn thì vôi nung sẽ giúp đẩy Natri ra bên ngoài và dùng nguồn nước ngọt để rửa đất.
 

Nước mặn ảnh hưởng đến cây trồng bởi 3 nguyên do, cây trồng bị stress do mất nước, ngộ độc Na+ và ngộ độc Cl. Khi mưa xuống, nước mưa sẽ giúp “rửa mặn” cùng với việc đẩy Natri và Clo ra khỏi đất. Bên cạnh đó, bà con cần tiến hành phun Avant Natur để bổ sung dinh dưỡng cho cây khi hệ thống rễ chưa sẵn sàng hấp thu dinh dưỡng từ đất. Đặc biệt, trong thành phần của Avant Natur có Proline giúp cây trồng tăng khả năng giữ nước ở trong cây, phun Basfoliar K để giúp cây giải độc Natri ra khỏi tế bào (Natri sẽ đẩy ra khỏi cây ở các mép của lá) đồng thời bổ sung phân hữu cơ cho cây trồng.

Đối với lúa nước, các nhà khoa học khuyến cáo, chưa nên vội vàng xuống giống trong điều kiện chân đất còn mặn.

Ứng phó với biến đổi khí hậu còn có trách nhiệm của người nông dân

Nước biển dâng lên, gây xâm nhập mặn, do biến đổi khí hậu là nguy cơ lớn nhất mà nhân loại phải đối diện trong thế kỷ này đã được các nhà khoa học cảnh báo trước đó. Tuy nhiên, việc chuẩn bị để đối phó với hiện tượng này chúng ta chưa sẵn sàng một cách tích cực nhất. Nên việc xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua gây thiệt hại cho mùa màng, cây trồng, thu nhập của nông dân là điều không tránh khỏi. Để hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, bà con nông dân mình phải tính tới các giải pháp cho trước mắt và lâu dài. Trước mắt là làm giảm nhẹ các thiệt hại và lâu dài là các giải pháp thích nghi với những hiện tượng sẽ xảy ra.

Trước mắt, bà con nông dân cần phải củng cố hệ thống bao đê của mỗi vườn, dự trữ nước ngọt để tưới vào các tháng bị mặn xâm nhập, đồng thời nên tỉa cành, tạo tán và không xử lý ra hoa khi không đủ nguồn nước ngọt, phủ rơm rạ, lục bình... lên gốc để giữ ẩm; tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân NPK có đầy đủ các chất trung vi lượng. Lưu ý các loại NPK có hàm lượng Kali cao giúp đẩy mặn và tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chọi với thời tiết.

Về lâu dài, bà con mình cần phải thích nghi với hiện tượng này, coi đó là điều không thể tránh khỏi và tập trung đầu tư các hệ thống tưới tiêu hợp lý để ngăn mặn; chuyển đổi các loại giống cây trồng chịu ảnh hưởng và thích nghi với biến đổi khí hậu; sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho các vùng đất bị nhiễm mặn. Hiện tại các viện nghiên cứu đã có một số giống cây ăn trái và một số giống lúa phù hợp cho điều kiện này và một số công ty phân bón trong đó có phân bón hiệu Đầu Trâu cũng đã nghiên cứu thành công phân bón NPK+ TE phù hợp cho cây trồng trong khu vực bị nhiễm mặn. Về phía quốc gia, chính phủ cũng đang có nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại cho nông dân và cho nền nông nghiệp nước nhà.

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu. Do đó, đòi hỏi trách nhiệm rất cao không những của chính phủ, các nhà khoa học, các doanh nghiệp mà trong đó còn có trách nhiệm của bà con nông dân chúng ta.


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn