Như mọi năm, thời tiết miền Trung đang vào giai đoạn nắng hạn cao nhất, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân. Điều đáng lo ngại là hậu quả của thời tiết nắng nóng ngày càng trầm trọng.
Hiện, mức độ thiếu nước trên các sông suối đã đến hồi báo động. Đơn cử như vùng hạ du sông Vu Gia thuộc Quảng Nam và Đà Nẵng, hơn nửa tháng trước đã thiếu nước không chỉ cho các trạm bơm tưới, mà thiếu cả nguồn nước không nhiễm mặn cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Đây là điều chưa từng thấy 4-5 năm về trước.
Nước sử dụng cho sinh hoạt vùng đô thị đều dựa vào các con sông lớn, tuy nhiên ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An, khi thủy điện tích nước vào mùa khô thì các con sông gần như thành những con lạch nhỏ.
Thế nhưng, khó khăn nhất chưa phải là vùng đô thị, đồng bằng mà khổ nhất là khu vực bán sơn địa và miền núi. Ở Gia Lai, người dân ven sông Ba vốn sống nhờ nguồn nước con sông này. Vậy mà hầu hết nước từ thượng nguồn sông Ba đều bị thủy điện An Khê - Ka Nát tích lại rồi đổ ra sông Kôn (Bình Định) nên sông Ba trở nên khô cạn.
Nhiều người dân ở làng Dơng, xã Kông Yang, huyện Kông Chro cho biết: “Năm nay, mới vào mùa nắng mà cả làng đã thiếu nước. Mỗi ngày phải thay phiên hai lần đi ngược lên sông Ba cách nhà 5 - 6km lấy nước về nấu ăn”.
Ông Ngô Đức Liêm, Giám đốc Nhà máy nước Hội An (Quảng Nam) cho biết, tình hình nhiễm mặn do mực nước sông xuống thấp khiến nhà máy gần như tê liệt. Bình thường công suất của nhà máy là 6.000m3/ngày đêm nhưng nay phải chuyển qua dùng nước dự phòng, chỉ đảm bảo 60-70% lượng nước thường ngày. “Nước nhiễm mặn đến quá sớm, đặc biệt là khi các thủy điện chặn dòng tiết kiệm nước để phát điện. Chúng tôi cũng đã bàn với chính quyền tỉnh để tìm giải pháp, nhưng xem ra rất khó khăn”, ông Liêm nói.
Ông Trương Văn Bay, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An bức xúc nói: “2007 là năm hạn hán nhất mà Hội An cũng chưa lâm vào tình cảnh này. Bây giờ thủy điện đầu nguồn tích sạch nước nên nhiễm mặn kỷ lục đã xuất hiện”.
Đáng lo ngại là vựa lúa chính của Quảng Nam tại Duy Xuyên, Điện Bàn hiện đang đỏ quạch vì bị thiếu nước. Những thửa ruộng đã gieo cấy thì lúa cháy khô vì khát. Ông Lê Bốn (thôn 7, Điện Nam Đông, Điện Bàn) dẫn chúng tôi ra ruộng lúa hơn 3.000m2 đã khô khốc, đến nỗi những vết nứt trên ruộng đút lọt cả lòng bàn tay. Ông Bốn cho biết, hạn hán đến quá sớm, nước sông Thu Bồn cạn rất nhanh, nồng độ mặn cao hơn những năm trước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT có phương án xử lý khẩn cấp tình hình khô hạn tại Quảng Nam. Còn theo Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn, mọi việc bây giờ chỉ chờ vào thủy điện. “Thủy điện Sông Tranh 2 coi như “hết phép” vì nước dự trữ không còn do phải tháo hết nước để sửa chữa rò rỉ. Thủy điện Đắk Mi 4 cũng đang hư máy phải sửa chữa. Nếu thêm mười ngày nữa không có mưa, sản xuất nông nghiệp sẽ thiệt hại nặng nề”, ông Tuấn nói.
Trước tình hình hạn hán ở miền Trung, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện mọi giải pháp tu sửa các cánh cống, triển khai lắp đặt lại các trạm bơm dã chiến và bơm chuyền nhiều lần, cấp nước cho vùng xa, vùng cao, cuối kênh và tổ chức xe chở nước ngọt đến các vùng khô hạn.
|
Theo KTNT