Khuyến khích người chăn nuôi áp dụng nhiều biện pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường
(MTNT) – Những năm gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, việc người dân tập trung đầu tư chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại lớn phát triển khá nhanh và mạnh. Nhờ đó, lợi nhuận đạt được ngày càng cao, đời sống của người dân cũng như bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
|
Chăn nuôi áp dụng công nghệ hầm biogas giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, người chăn nuôi còn tận dụng chất thải đã phân hủy để làm chất đốt, sử dụng trong sinh hoạt |
Tuy nhiên, mặt trái của việc gia tăng số lượng các trang trại chăn nuôi chính là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bắt nguồn từ chính những chất thải, nước thải của các trang trại. Vấn đề này cũng đang ngày càng trở nên khá bức xúc và nghiêm trọng ở nhiều địa phương.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do chất thải, nước thải từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình không được kiểm soát và xử lý tốt. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, kể cả đối với hoạt động chăn nuôi có quy mô trang trại lớn, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý môi trường song vẫn gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là do các nguyên nhân về công tác quản lý môi trường và việc người dân áp dụng công nghệ xử lý chưa phù hợp.
Vì thế, việc khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp đang được xem là một trong những giải pháp an toàn để đưa sản xuất nông nghiệp hữu cơ thay thế dần nền nông nghiệp vô cơ. Qua đó, góp phần đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp cũng như đối với người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, theo thống kê, hiện nay đàn lợn trong toàn tỉnh có khoảng gần 800.000 con (không kể lợn sữa); trong đó có 130.000 con lợn nái. Với tổng đàn lợn như vậy, hàng ngày sẽ thải ra khối lượng rất lớn, khoảng gần 2.000 tấn. Việc làm thế nào để xử lý chất thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi lợn luôn là bài toán đau đầu không chỉ đối với các hộ chăn nuôi mà còn cả đối với các ngành chức năng trong tỉnh.
Từ trước tới nay, công nghệ làm hầm biogas vẫn được xem là giải pháp tốt nhất và được hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn áp dụng. Tuy nhiên, đối với các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn, việc xử lý khối lượng chất thải bằng mô hình hầm biogas đang gặp nhiều khó khăn. Không chỉ bởi việc xây dựng hầm chiếm diện tích rất lớn mà hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi đạt được lại không cao.
Cụ thể: Nước thải sau lắng đọng tại các hầm biogas vẫn còn đậm đặc, không thể dùng để tưới cây được; thậm chí, nếu đem thải ra môi trường vẫn còn gây ô nhiễm. Các trang trại chăn nuôi cũng thường sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại và làm mát cho đàn lợn. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng phân lợn bị làm lỏng, không thể thu gom, chỉ còn cách xả thải trực tiếp ra nguồn nước hoặc gián tiếp thông qua các hầm biogas và sẽ rất nhanh chóng gây nên tình trạng quá tải cho hầm biogas.
Bên cạnh đó, lượng khí gas sinh ra trong các hầm chứa đang thừa nhiều so với nhu cầu sử dụng thực tế của từng trang trại; nhưng lại không thể chia sẻ được với các hộ dân đang có nhu cầu vì các trang trại thường được yêu cầu xây dựng ở cách xa khu dân cư. Do đó, để xử lý hết lượng khí gas thừa, các trang trại thường xuyên phải đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường. Việc làm này gây nguy hiểm vô cùng bởi mức độ ô nhiễm không khí cao hơn nhiều lần mức cho phép…
Trước thực trạng trên, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (dự án LCASP) đã nghiên cứu và hiện đang triển khai một số mô hình xử lý chất thải ở các địa phương trong tỉnh. Theo đó, đối với trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 100- 1.000 con, dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống bể lắng xử lý chất thải chăn nuôi.
Anh Vũ Văn Liên ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông- huyện Hải Hậu, là chủ trang trại chăn nuôi với 500 con lợn vui vẻ cho biết: Được tham gia mô hình, anh nhận thấy tính hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước đây, đối với một hộ chăn nuôi khoảng 500 con lợn như gia đình anh sẽ cần xây bể biogas có thể tích từ 300- 500 m3 để xử lý chất thải. Tuy nhiên, sau khi áp dụng với bể lắng 4 ngăn thì thể tích có thể giảm xuống 10 lần, chỉ còn 30- 50 m3. Nhờ đó góp phần giảm được diện tích xây dựng bể biogas cũng như các chi phí đầu tư khác, lại giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hay như mô hình trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái- huyện Trực Ninh cũng đang áp dụng mô hình và cho thấy hiệu quả tích cực. Trên diện tích 0,6 ha, ông xây dựng 2 dãy chuồng lợn rộng khoảng 600 m2, đào 01 ao cá rộng 3.000 m2, số còn lại ông trồng một số cây ăn quả hàng năm như: Bưởi Diễn, cam, đinh lăng, cau… Mặc dù giá lợn lúc lên lúc xuống, nhất là từ cuối năm 2016 đến nay nhưng trang trại của gia đình ông luôn duy trì ở quy mô nuôi từ 400- 500 con lợn thịt.
Cũng như các trang trại khác, ông Thục gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Khi tham gia dự án, trang trại của ông được hỗ trợ xây dựng nhà ủ phân. Nhà ủ phân gồm 2 ngăn, trong đó 1 ngăn để tách bớt nước và 1 ngăn để ủ bã thành phân hữu cơ. Nhà ủ phân có tác dụng chuyển chất cặn sau hầm biogas trở thành phân bón, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo một cán bộ của dự án cho biết: Việc xây nhà ủ phân để tách một phần chất cặn (phân) có độ ẩm 95- 100% bước đầu đã đạt được mong đợi của người chăn nuôi. Trên cở sở tách được nước ra khỏi chất thải đặc trong bể lắng sau hầm biogas sẽ tạo thuận lợi cho quá trình ủ để sản xuất ra phân bón hữu cơ, giúp người chăn nuôi tăng thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm này cho những người trồng trọt khác. Nhà ủ phân xây dựng đơn giản và chi phí thấp, vì thế dễ nhân rộng trong thực tiễn.
Tại tỉnh Bến Tre, theo số liệu của Sở Nông nghiệp & PTNT đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh vào khoảng 560.000 con. Như vậy, đồng nghĩa với việc lượng chất thải từ phân, nước thải của vật nuôi thải ra rất lớn, dễ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Mô hình trang trại nuôi chim cút của ông Nguyễn Hoài Vũ ở Ấp 3, xã Sơn Đông- thành phố Bến Tre hiện là một trong số những trang trại có số lượng vật nuôi khá lớn trên địa bàn mà vẫn giữ gìn tốt vệ sinh môi trường. Hiện nay, với quy mô bình quân nuôi 5 ngàn con chim cút bố mẹ, hàng tháng, gia đình ông còn sản xuất ra khoảng 15 ngàn con giống đáp ứng nhu cầu phục vụ thị trường.
Để duy trì môi trường chăn nuôi của trang trại luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, ngoài việc lắp đặt xây dựng bể khí sinh học biogas, ông còn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp xử lý triệt để mùi hôi. Bên cạnh đó, ông Vũ đã biết tận dụng chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón giúp cho vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, đối với phân chuồng dọn từ phần đệm lót sinh học, ông đem thu gom và cho vào bể riêng, trộn thêm nấm Tricoderma để ủ hoai trước khi mang ra dùng làm phân bón cho vườn bưởi và dừa. Còn tại một số dãy nuôi chim cút thịt các lứa thì ông không lót đệm sinh học mà sử dụng chất thải khi dọn chuồng. Sau đó, đem dọn sạch để cho vào bể khí sinh học biogas nhằm tạo ra nhiên liệu gas dùng làm chất đốt phục vụ sinh hoạt.
Ông Vũ chia sẻ: “Tôi đã tiết kiệm được tới 50% chi phí mua phân bón. Đồng thời, lượng phân hữu cơ cùng phụ phẩm khí sinh học lại có nhiều dinh dưỡng, khi đem bón cho cây dừa và bưởi thấy tốt vô cùng, đem lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập không nhỏ. Nhờ áp dụng các chế phẩm sinh học hợp lý nên môi trường trang trại luôn thoáng mát, sạch sẽ, không có mùi hôi và không làm ảnh hưởng đến môi trường ở địa phương”.
Có thể thấy, việc người dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm tự động hóa, tiết kiệm sức lao động cũng như đạt hiệu quả tốt trong chăn nuôi hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học, hoặc phun trực tiếp vào nền chuồng nuôi, sử dụng để ủ chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ… đã và đang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải trong chăn nuôi cũng được xử lý cơ bản và triệt để, những mô hình hiệu quả kiểu này hiện cũng đang dần phổ biến tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.