Thái Bình: Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gắn với công tác bảo vệ môi trường
14:00 - 29/11/2018
(MTNT) - Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến nhận thức về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Từ đó, các địa phương đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giúp nâng cao ý thức của người dân trong lĩnh vực chăn nuôi; tập trung phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững; phát huy tối đa hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
|
Phát triển chăn nuôi theo hình thức tập trung, quy mô lớn hướng tới việc sản xuất hàng hóa, bảo vệ môi trường |
Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hình thức tập trung, quy mô lớn hướng tới việc sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành và phát triển các vùng, các xã trọng điểm về chăn nuôi.
Đáng chú ý, tại một số địa phương đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều những trang trại chăn nuôi có quy mô tập trung lớn, được đầu tư bài bản, hiện đại. Qua đó, giúp mang lại mức doanh thu từ vài trăm triệu đồng/năm trở lên, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, chủ trang trại trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế đạt được, vấn đề xử lý tốt các chất thải, nước thải cũng như việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong hoạt động chăn nuôi tại những mô hình trang trại, gia trại vẫn đang còn khiến chính quyền tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Một nguyên nhân chính được ngành chức năng chỉ ra là do phần lớn những trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện vẫn đang nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do quỹ đất nhỏ hẹp nên không bảo đảm được khoảng cách an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ không đủ điều kiện về kinh tế để có thể đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước thải, do đó hầu hết lượng nước thải, chất thải thường xả trực tiếp ra cống rãnh, ao hồ mà chưa hề được xử lý. Vì thế, vấn đề không khí và nguồn nước là các yếu tố bị ảnh hưởng nhiều nhất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống xung quanh cũng như tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực, làm phát sinh dịch bệnh trên địa bàn.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, song song với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của bà con trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có những chính sách ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Tại huyện Tiền Hải, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi được tổ chức thường xuyên đã giúp cho người dân nâng cao về nhận thức, tạo sự chuyển biến ngay từ trong ý thức bảo vệ môi trường. Huyện còn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia ký cam kết không sử dụng chất cấm trộn vào trong thức ăn chăn nuôi. Đồng thời với đó, các cấp, các ngành chức năng của huyện còn tích cực phối hợp và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn chăn nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn chăn nuôi của các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, để góp phần phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, hàng năm, huyện còn tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai tốt công tác tiêm phòng định kỳ vào 2 đợt/năm; duy trì có hiệu quả công tác vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng 2 đợt/năm tại tất cả các xã, thị trấn. Qua đó, nhằm tiêu diệt sớm mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi để đàn vật nuôi phát triển tốt, giúp tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Nhờ tiến hành các giải pháp một cách đồng bộ, tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi của địa phương đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, đa số các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn đều chủ động đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Con giống; thức ăn; chuồng trại; hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas…
Một điển hình trong việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của huyện là trang trại nuôi lợn tập trung Đặng Thị Thùy Trinh đóng trên địa bàn xã Vũ Lăng. Bắt đầu tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung từ năm 2012, đến nay, trang trại đang nuôi khoảng hơn 2.500 con lợn thịt.
Trang trại được đầu tư xây dựng hệ thống hiện đại, bài bản với 5 dãy chuồng lạnh có quy mô khép kín. Đối với các chất bã thải ra trong quá trình chăn nuôi cũng được đưa vào thực hiện theo đúng quy trình xử lý gồm: Chất bã thải chuyển tới một hệ thống máy tách lọc phân; sau đó, đem đóng vào bao; vận chuyển đưa đi xuất bán cho các nhà vườn ở một số tỉnh lân cận (Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên)… dùng để làm phân bón cho cây trồng. Ngoài ra, nước thải sẽ được đưa vào 3 ao sinh học để đợi lắng đọng, bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
Theo anh Phạm Đức Huy- Chủ trang trại chia sẻ: Chăn nuôi theo hướng tập trung là cả một quá trình liên kết khép kín giữa các khâu với nhau, từ hệ thống chuồng trại đến quá trình chăn nuôi, lựa chọn con giống tốt. Đồng thời, đối với việc lựa chọn thức ăn cũng luôn phải tuân thủ đúng kỹ thuật để đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, đối với các trang trại có quy mô chăn nuôi theo hình thức tập trung cũng sẽ giúp người nuôi hạn chế được các loại dịch bệnh dễ dàng hơn, bảo đảm những yếu tố về vệ sinh môi trường.
Hay như mô hình gia trại của anh Nguyễn Văn Hiến ở xã Nam Hồng, nhờ đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín trên diện tích 300 m2, anh chia thành nhiều khu vực riêng biệt để nuôi khoảng 100 con lợn, 100 con ngan, 200 con gà. Mô hình kết hợp chăn nuôi này không chỉ bảo đảm các yếu tố về môi trường mà còn giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh.
Anh Hiến cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, chất thải được tiến hành thu gom và xử lý kịp thời qua hệ thống hầm biogas xây dựng kiên cố. Nhờ áp dụng chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường như: Quy hoạch chuồng nuôi hợp lý; thường xuyên sử dụng các chế phẩm sinh học để khử mùi; đầu tư xây hầm bể biogas; tăng cường hiệu quả xử lý nguồn chất thải… Từ đó, đàn vật nuôi của gia đình anh không xảy ra dịch bệnh, đồng thời còn bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Ước tính, gia đình anh còn tiết kiệm được khoảng hơn 2 triệu đồng/năm tiền mua chất đốt và mua thuốc tiêm phòng bệnh dịch cho đàn vật nuôi.
Nếu như trước đây, do người chăn nuôi thường thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên chuồng trại chưa được đầu tư bài bản, nguồn giống cũng chủ yếu là mua ngay tại địa phương; do đó, hiệu quả kinh tế không cao, lại gây ô nhiễm môi trường. Từ khi chuyển sang quy mô chăn nuôi lớn với việc tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi và xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas, hiệu quả kinh tế vượt trội hẳn. Đây chính là hướng đi phù hợp trong điều kiện mới, giúp nhiều hộ nông dân khắc phục được tình trạng ô nhiễm trong hoạt động chăn nuôi.
Từ những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi.
Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân xây dựng hầm biogas để xử lý triệt để chất thải trong chăn nuôi, các địa phương sẽ tích cực vận động bà con tận dụng chất thải từ chăn nuôi làm nguồn phân bón tự nhiên cho cây trồng, tránh lạm dụng phân bón hóa học gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nước. Đồng thời, duy trì chăn nuôi ở các nông hộ bảo đảm an toàn sinh học; quy hoạch, xây dựng các vùng chăn nuôi xa khu dân cư; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tăng cường quản lý và sử dụng thuốc thú y… Qua đó, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Trọng Hà