|
Rác thải nông thôn đang là một thách thức lớn cho môi trường nước ta |
Cả nước có khoảng hơn 40% tổng số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó doanh nghiệp thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung. Tuy nhiên, chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn.
Tại các vùng quê, rác thải nông thôn vẫn xuất hiện nhiều trên các vệ đường, trước cổng làng, chân cầu, ao hồ và các bãi đất trống trong khu dân cư. Trong khi đó, hầu hết lượng rác thải nông thôn lại không được phân loại và xử lý.
Giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt nông thôn, thực hiện Chương trình Nông thôn mới, thời gian qua một số tỉnh/thành phố đã cấp kinh phí để các xã xây dựng điểm tập kết rác, thành lập HTX thu gom rác từ hộ gia đình. Bên cạnh đó, một số xã còn được cấp kinh phí trang bị lò đốt rác quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, khi các lò này đi vào hoạt động chưa phát huy hết công suất lò đốt. Cũng bởi do tính chất đốt nhỏ lẻ, nhiệt độ chưa đạt yêu cầu... nên phát sinh điểm ô nhiễm mới. Khó khăn lớn nhất hiện nay là Nhà nước chưa có kinh phí xử lý rác cho khu vực nông thôn. Kinh phí thu gom được lấy từ nguồn thu các hộ gia đình chỉ đủ trang trải cho hoạt động của HTX.
Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân.
Ở khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường là các doanh nghiệp công ích, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, 20% do người dân đóng góp.
Trong khi đó ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức thu nhập chỉ bằng 30% - 40% so với thu nhập của người thu gom rác ở đô thị.
Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề quản lý chất thải. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải, chưa có các biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng.
Việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.
Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế; nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, có chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa và ni-lông; phối hợp các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; thu hồi các bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; vận động nhân dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Đồng thời, các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề môi trường lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phối hợp các nhà sản xuất tổ chức ngày hội tái chế với mục đích thu gom, thu hồi các sản phẩm thải bỏ, nhất là các chất thải điện tử.
Đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, tổng hợp báo cáo về các mô hình, công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã triển khai và lựa chọn, giới thiệu các công trình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn phù hợp, hiệu quả nhất với thực tế địa phương để giới thiệu và phổ biến nhân rộng.
Thời gian qua, để giảm thiểu việc chôn lấp rác thải, bằng nguồn vốn ODA, nước ta đã nhập khẩu công nghệ từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc để xử lý rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh compost, với số vốn đầu tư mỗi Nhà máy xử lý 200 tấn rác/ngày lên đến hàng trăm tỷ.
Trong nước, một số đơn vị như Công ty Thăng Long, Seraphinđã xây dựng các Nhà máy sản xuất phân vi sinh compost tại một số tỉnh như: Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, thành phố Hà Nội với số tiền khoảng từ 60 - 80 tỷ đồng.
Qua thực tế vận hành cho thấy, do tính chất phức tạp của rác thải không được phân loại từ nguồn, lẫn nhiều tạp chất nên chất lượng phân vi sinh làm ra không tốt, không tiêu thụ được. Nhiều dự án của nước ngoài đang triển khai phải dừng hoạt động, vì thực tế sản xuất không hiệu quả.
Mặt khác, hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước khuyến cáo không nên dùng phân compost làm từ rác, vì phân compost có lẫn nhiều xơ sợi xenlulo tạo ra lớp màng che phủ đất làm giảm khả năng hô hấp của đất. Đặc biệt, rác ở Việt Nam còn có chứa sợi ni lông nên còn tác hại hơn rất nhiều.
Do đó, việc lựa chọn công nghệ đốt rác vẫn là giải pháp tốt nhất hiện nay cho xử lý rác ở nước ta. Tuy nhiên, việc lắp đặt các lò rác thải công suất nhỏ cho từng xã như cách làm hiện nay của một số tỉnh/thành phố không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, do tính chất nhỏ lẻ phân tán, trình độ quản lý vận hành thấp.
Vì thế, công nghệ xử lý rác thải quy mô cấp huyện hiện nay là phù hợp với cung đường vận chuyển, kinh phí đầu tư vừa phải, công suất từ 60 - 100 tấn/ngày, mỗi huyện có một hoặc hai cơ sở xử lý, tùy thuộc vào diện tích, dân số.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất lò đốt rác trong nước đã làm chủ được công nghệ với công suất thiết kế phù hợp với tính chất rác thải sinh hoạt tại Việt Nam.
Đồng thời, để giải quyết bài toán xử lý rác thải nông thôn bền vững, ngoài sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp, còn phải thay đổi tư duy quản lý, từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo, góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về hành vi xả rác ra môi trường.