Quảng Trị: Nông dân ứng dụng tưới nhỏ giọt trên cây trồng cạn
08:09 - 19/11/2018
Việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc canh tác cây trồng cạn. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước, ít tốn công lao động, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ nông dân tại địa phương.
Mô hình tưới nhỏ giọt trên cây tiêu của chị Liên


Trước đây, để tưới cho cây tiêu, bà con nông dân ở Quảng Trị thường áp dụng biện pháp tưới truyền thống. Đó là kỹ thuật đơn giản, dùng vòi tưới bằng tay để tưới vào gốc cây. Phương pháp này tốn công chăm sóc (tưới, bón phân), sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nước, điện trong khi năng suất cây trồng thấp và không ổn định. Hiện nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ tưới nhỏ giọt của Netafim, Israel, một số hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh bắt đầu tiếp cận và áp dụng công nghệ này. Đây là công nghệ tưới có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là có thể gia tăng năng suất và chất lượng cây trồng, giảm nhiều công chăm sóc và có thể kết hợp bón phân, bón thuốc. Những kết quả đạt được bước đầu từ việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã cho thấy công nghệ này đem lại hiệu quả cao đối với người trồng tiêu.
 
 
Anh Nguyễn Đức Phương- một nông dân trồng tiêu ở thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh là người đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn hồ tiêu được hơn 2 năm. Với diện tích 1 ha, Anh Phương đã đầu tư 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho hơn 1.000 gốc tiêu. Anh cho biết, trước đây khi tưới nước theo phương pháp truyền thống, anh phải xoay vòng tưới hàng ngày. Từ khi chuyển sang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi lần tưới anh chỉ mất 4 giờ/ha. Theo anh Phương, việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được 50% lượng nước, 40% lượng phân hóa học NPK, giảm từ 80-90% công tưới nước và bón phân, trong khi năng suất hồ tiêu tăng hơn 40% so với tưới tràn.
 
 
Không chỉ áp dụng cho cây hồ tiêu, hiện nay mô hình tưới nhỏ giọt còn được các hộ dân áp dụng cho các loại cây khác. Chị Lê Thị Liên ở thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho 4 sào tiêu và 1 sào cỏ voi.
 
 
Trước đây khi chưa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt gia đình chị thu được trung bình 7 tạ tiêu/năm, sau khi áp dụng công nghệ này, năng suất hàng năm đạt 10 tạ tiêu/năm (tăng 40 - 50%).
 
 
Chị cho biết, khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, việc bón phân cho tiêu cũng tương đối dễ dàng, tiết kiệm nhân công, chỉ cần hòa tan phân và cho vào hệ thống tưới, với cách bón phân này đã nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng và đều đặn đến vùng hoạt động của bộ rễ thông qua nước tưới. Phương pháp tưới và bón phân này đảm bảo độ ẩm và lượng chất dinh dưỡng luôn cung cấp ổn định cho cây tiêu nên cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế tình trạng sâu bệnh trên cây trồng.
 
 
Chị Liên cho biết thêm: Hệ thống dễ vận hành, khá bền, ít hỏng, chi phí nhiên liệu thấp, trong thời gian tới, chị sẽ nhân rộng việc sử dụng công nghệ này trên toàn bộ vườn tiêu của gia đình.
 
 
Với chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây tiêu bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/ha tuỳ theo quy mô, địa hình và kích thước của vườn tiêu. Ước tính chỉ sau 1-2 năm, bà con có thể thu hồi được vốn đầu tư hệ thống tưới qua việc tăng năng suất, giảm chi phí nhân công tưới nước bón phân, giảm chi phí điện hay dầu chạy máy bơm tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
 
 
Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây tiêu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập người trồng tiêu cũng như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới và có nhiều triển vọng mở rộng việc áp dụng công nghệ này.
 
 
Để nhân rộng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh, cần có sự quan tâm của các ban ngành liên quan, trong việc hỗ trợ vốn cho nông dân, cũng như chuyễn giao tập huấn kỹ thuật thiết kế xây dựng, nhằm góp phần thích ứng với tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu.

Phan Việt Toàn
Nguồn: Cổng ĐT HND
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn