Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm có lũ lớn, vụ lúa HT muộn thường hay bị ngập lũ, nạn gặt lúa chạy lũ đã diễn ra thường xuyên, gây căng thẳng về công lao động, nên tăng giá thành sản xuất, năng suất, chất lượng lúa cũng đều bị giảm…
|
Thu hoạch lúa thu đông (Ảnh: Hoàng Vũ) |
Việc xây đê bao chống lũ cho vụ lúa này trong những năm đầu mới hình thành cũng góp phần giúp nông dân giảm bớt được căng thẳng về công sá gặt lúa chạy lũ, vừa bảo đảm năng suất và nhất là chất lượng hạt thóc. Vì nhiều bà con sử dụng lúa vụ này làm giống cho vụ ĐX năm sau. Tuy nhiên, mọi việc cũng đều có 2 mặt: Mặt tích cực và mặt hạn chế. Vì vậy, đã có nhiếu ý kiến bàn cãi về mặt hạn chế của đê bao chống lũ sẽ làm giảm độ phì của đất và dẫn đến thoái hóa đất do nhiều vùng đã phải canh tác 3 vụ trong năm.
Trong bài này tác giả sử dụng các tài liệu nghiên cứu của TS Nguyễn Đức Thuận và cộng sự đã thực hiện trong 3 năm tại xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp kéo dài trong thời gian 3 năm, là nơi có các mô hình làm lúa 3 vụ có các kiểu đê bao khác nhau để đánh giá thực chất của việc làm đê bao ngăn lũ lợi và hại đến đâu, nhằm góp phần đề ra chủ trương đúng đắn hơn cho việc thực hiện kỹ thuật này một cách có căn cứ. Địa danh này vốn trước đây nằm trong vùng rốn phèn và thường bị ngập sâu và kéo dài, nên ngoài cây lúa ra chưa có cây gì thay thế mà có hiệu quả hơn cây lúa. Dưới đây là một số kết quả mà tác giả đã thu được.
1. Mô hình trồng lúa HT với 3 kiểu: 1- Không có đê bao - đối chứng; 2- Có đê bao lửng và 3- Đê bao kín, thực hiện trong vụ HT 2007, các kỹ thuật canh tác, liều lượng phân bón và chăm sóc giống nhau thì, năng suất lúa cả 3 vụ thu được tương ứng là: (1) 4,88, (2) 4,94 và (3) 5,15 tấn/ha.
Như vậy, công thức có đê bao kín (3) lại cho năng suất cao hơn đối chứng (không có đê bao) là đáng tin cậy (5,15 tấn so với 4,88 tấn/ha). Nhưng lợi nhuận chỉ dao động từ 4,4 - 4,7 triệu đ/ha/vụ, chênh lệch nhau không nhiều. Trong vụ TĐ năng suất có thấp hơn vụ HT, tiền lời chỉ thu được từ 2,4 - 3,3 triệu đ/ha. Vụ này không có công thức không có đê bao, do nước ngập sâu, không sạ lúa được.
Còn trong vụ ĐX 2007 - 2008 cho thấy cả 3 công thức đều cho năng suất cao hơn cả vụ HT và TĐ, nhưng công thức đối chứng vẫn có xu hướng thấp hơn 2 công thức có đê bao lửng và kín. So sánh năng suất bình quân của từng vụ cho thấy năng suất lúa ĐX đạt bình quân 6,78 tấn/ha, cao hơn trung bình lúa HT là 35,87% và với lúa TĐ là 53,74%. Chính vì vậy mà lợi nhuận của cả 3 công thức trong vụ ĐX đều cao hơn 2 vụ còn lại. So với cả năm thì công thức (1) Đối chứng chỉ làm 2 vụ, có tiền lời là: 20.665.834đ; công thức (2) có tiền lời 24.055.579 đ, và công thức (3) có tiền lời là 25.621.822đ/ha/năm.
2. Về mặt dinh dưỡng trong phù sa: So sánh giữa đối chứng và công thức có đê bao lửng thì thấy có thể do phù sa ra vào tự do hơn nên lượng phù sa chứa trong 1 lít nước có cao hơn: 52,5 so với 37,5mg/lít , độ dày lớp phù sa trên ruộng cũng cao hơn: 0,250cm so với 216cm và khối lượng phù sa trong ruộng cũng có kết quả tương ứng: 6,47 so với 5,66 tấn/ha. Còn các chất dinh dưỡng như: N, P205, K20 cũng có xu hướng ở công thức đối chứng cao hơn, nhưng Ca và Mg thì tương đương nhau. Mức pHH20 có xu hướng giảm không đáng kể (6,2 so với 6,46). Như vậy, vụ HT để nước lũ ra vào tự do sẽ có phù sa nhiều hơn là làm đê bao chặn lại.
3. Về mặt môi trường: Phân tích các chỉ tiêu, pHKcl, xác bã hữu cơ, Fe+2, Al+3 , S04-2 và tổng axit hữu cơ thì thấy ở công thức đối chứng pH có xu hướng thấp hơn công thức có đê bao lửng. Xác bã hữu cơ cũng vậy. Riêng các chỉ tiêu Fe+2, Al+3 và S04-2 biến đổi thất thường và khác nhau không lớn. Tổng số axit thì vụ HT và TĐ đều cao hơn vụ ĐX. Có điều là xác bã hữu cơ ở các công thức có đê bao nhiều hơn có thể do làm 3 vụ lúa nên gốc rạ được tích lũy lại nhiều hơn, trong quá trình phân giải, lượng xit hữu cơ được giải phóng ra nhiều hơn, nhưng nhờ có nước thường xuyên nên không gây chua cho đất.
Tác giả thử sử dụng loại đê bao cải tiến, điều khiển được nước ra, vào dễ dàng. Kết quả cho thấy đê bao cải tiến tốt hơn đê bao lững và đê bao kín rất rõ cả về năng suất, lợi nhuận không những trong vụ ĐX mà cả trong các vụ HT và TĐ cũng vậy.
Tác giả cho rằng ở vùng ngập lụt kéo dài, chỉ trồng được cây lúa thì nên sử dụng loại đê bao cải tiến tốt hơn là các loại đê bao khác hay không có đê bao. Nếu tính về hiệu quả kinh tế và cả môi trường thì chỉ nên trồng 2 vụ lúa trong năm: ĐX và HT, vụ TĐ nên để đất nghỉ. Trường hợp các hộ có ít đất và có công lao động thì vẫn có thể trồng cả 3 vụ để có thêm thu nhập.
|