Tưới tiết kiệm trên đảo Lý Sơn
10:33 - 15/03/2017
Trước đây, để cung cấp nước cho tỏi, hành, bắp, dưa… người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhờ vào nước trời hay phải dùng ống nhựa dây bơm từ giếng lên.
Ảnh minh họa


Khi tưới ít nhất cần hai người, một người đỡ dây, một người điều chỉnh ống tưới. Nếu giếng xa phải cần 3 - 4 người đỡ dây nên tốn kém về nhân công, tiền của và cả tài nguyên nước.

Nhưng vài năm gần đây có điện lưới quốc gia, nhiều người dân tiên phong bắc hệ thống tưới phun bán tự động. Đây là giải pháp cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy tưới bằng dây ống nhựa thì nước cung cấp cho cây trồng không đều, chỗ nhiều, chỗ ít thậm chí có nơi nước không đến, dòng nước phun ra rất mạnh... làm thân cây bị dập… ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng.

Hệ thống tưới phun có hạt nước nhỏ, nhẹ và đều khắp mặt đất (có thể điều chỉnh lượng nước tưới phun cho phù hợp với từng loại), vì thế cây trồng được an toàn, sinh trưởng đồng đều, năng suất tăng lên khoảng 20% so với cách tưới truyền thống.

Mặt khác tưới phun tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống trước đây. Đây là điều rất quan trọng và là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bởi nguồn nước ngọt ở đảo Lý Sơn vốn rất khan hiếm. Hiện tại, có hơn 150/340ha đất sản xuất được lắp đặt hệ thống tưới phun.

Nhờ chủ động trong việc tưới nước phun tiết kiệm mà huyện Lý Sơn đã mạnh dạn chuyển dịch mùa vụ cây trồng để tránh điều kiện bất lợi gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vụ ĐX 2016 - 2017, huyện đã bố trí trồng tỏi chậm hơn 1 - 2 tháng so với mùa vụ trước đây (thu hoạch vào tháng 1 - 2 âm lịch, trước đây thu vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán). Nhờ đó tránh được mưa phùn gió bấc trong dịp tết, tỏi cho năng suất cao, chất lượng cũng tốt hơn và việc sử dụng công lao động vừa tiết kiệm vừa thuận lợi.

 

Lan Hương
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn