Giật mình lo sợ những “quả bom nước treo lơ lửng” phía trên ĐBSCL
10:00 - 27/07/2018
Liên quan đến thông tin vỡ đập thủy điện ở Lào có thể ảnh hưởng tới vùng ĐBSCL, phóng viên Dân Việt đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thiện – một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mekong.

Xin ông cho biết nhận định của mình về vụ vỡ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào. Liệu nguồn nước chảy ra từ đập có ảnh hưởng gì đến ĐBSCL trong thời gian tới không?

Vụ vỡ đập này sẽ ít có khả năng ảnh hưởng lớn đối với ĐBSCL vì hiện nay là mùa lũ, nước chảy tràn trên diện rộng và đập này nằm trên sông nhánh, cách ĐBSCL khoảng hơn 600km.

Có thể trong vài ngày tới khối nước này về sẽ gây gia tăng mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) vài cm, chỉ có thể ảnh hưởng đến lúa đang thu hoạch ở các tỉnh đầu nguồn, còn ngoài ra sẽ không có khả năng gây thảm họa đối với ĐBSCL.

Vỡ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào


Việc vỡ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy cho thấy tình thế rất bị động và xảy ra thiệt hại lớn về người, nhất là khi cách làm thủy điện trong lưu vực Mekong chưa đạt độ chuyên nghiệp, tin cậy. Lẽ ra khi thiết kế đập thì đã có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Tình hình của vụ vỡ đập vào tối 23.7 đã không chứng minh được điều đó.
 

Với vụ việc này cho thấy việc an toàn đập trên lưu vực Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại. Việc vỡ đập lần này không phải là lần đầu mà năm ngoái đã có đập Nam Ao ở tỉnh Xaysomboun (Lào) vỡ làm ngập 7 làng. Như vậy, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
 

Vậy theo ông, điều lo ngại nhất đối với ĐBSCL trong tương lai là gì?

Đối với ĐBSCL điều lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Đặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ĐBSCL nhất. Chúng ta hình dung sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhánh lớn lại phân ra nhánh nhỏ thì ĐBSCL nằm ở gốc cây và đập Sambor nằm ở thân cây phía trên.
 

Đập Sambor sẽ gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên, bất cứ đập nào phía trên vỡ đều cuối cùng ảnh hưởng đến Sambor. Sambor theo phương án ban đầu có chiều ngang 18km, cao 56m, có diện tích hồ chứa 620km2, tích trữ nước ở cao trình 40m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 mét trên mực nước biên.
 

Đây sẽ là quả bom nước treo lơ lửng phía trên ĐBSCL, nếu phía trên có đập vỡ lùa nước xuống vỡ dây chuyền thì Sambor sẽ vỡ và khi đó ĐBSCL sẽ cực kỳ nguy hiểm.
 

Như ông vừa nói, đập Sambor sẽ chịu rủi ro khi bất cứ đập nào phía trên bị vỡ, vậy ở phía trên đập nào là đáng ngại nhất thưa ông?

Trong số đập phía trên thì đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi đã khởi công năm 2011. Xayaburi nằm trên đường đứt gãy địa chất đang hoạt động và các nhà khoa học của Đại học Chula Longkorn (Thái Lan) đã cảnh báo rằng trong 30 năm tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy ra động đất lớn vùng này.
 

Thực tế năm 2011 đã có 2 vụ động đất ở vùng Xayaburi, may là lúc đó chưa có đập. Sau này khi đập Xayaburi hoàn tất, với sức nặng của nước trong hồ chứa có thể đè lên vỏ trái đất gây động đất kích thích. Xayaburi mà vỡ thì nước sẽ lùa xuống đập kế tiếp bên dưới cũng đang đầy nước và lùa tiếp xuống đập kế tiếp. Với số nước 2 đập cộng lại và tiếp tục như thế đến đập Sambor thì Sambor chắc chắn sẽ vỡ.
 

Các nhà môi trường đã luôn luôn cảnh báo rằng lợi ích của thủy điện Mekong là quá nhỏ so với rủi ro đối với con người và môi trường trong toàn vùng.
 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Trước đó, tối ngày 23/7 đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào bị vỡ, hàng trăm người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, được cho là đã thiệt mạng, theo hãng thông tấn Lào LNA. Hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ. 

Tờ Vientiane Times dẫn nguồn giới chức địa phương cho biết khoảng 19 người "được tìm thấy đã chết", hơn 3.000 người "cần được cứu" và 2.851 người đã được cứu sau khi một trong năm đập phụ tại dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào tối 23/7 bị vỡ, khiến lượng nước khổng lồ trút xuống hạ lưu.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho hay trong số 19 nạn nhân thiệt mạng không có ai là người Việt.


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn