Ánh ảnh vì ô nhiễm
Nhà nằm bên sông Cụt, chị Trang (phường Thạch Quý, Tp Hà Tĩnh) thường xuyên bị "tra tấn" bởi mùi hôi bốc lên từ khúc sông này, chia sẻ: “Vào lúc thủy triều xuống là y như rằng, cả xóm nồng nặc mùi hôi. Mặt sông thì nổi váng bẩn và nước bùn đen ngầu. Mùa nắng nóng cũng là thời kỳ người dân sống hai bên bờ sông Cụt bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối”.
Không chỉ bốc mùi hôi thối, khúc sông dài 1,4km bị nhuốm màu đen đục ngầu bởi nước thải sinh hoạt trong khu dân cư, nước thải từ lò giết mổ gia súc gia cầm TP Hà Tĩnh và rác thải từ chợ Hà Tĩnh đổ xuống.
Anh Lê Minh (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) bức xúc: “Nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường, ngang nhiên xả nước thải, vứt rác xuống sông. Đặc biệt, một số hộ kinh doanh ở chợ Hà Tĩnh, nhất là các bà bán hàng xung quanh cầu Sở Rượu thường tuồn rác xuống sông vô tội vạ”.
Quả thật, khúc sông Cụt ô nhiễm nhất là đoạn qua cầu Sở Rượu. Tại đây, ven 2 bờ sông, rác trôi dạt vào bờ kết thành một lớp dày. Nước sông đen ngòm bởi lớp bùn của lòng sông lâu nay không được nạo vét.
“Nước thải sinh hoạt của người dân được đổ trực tiếp ra sông Cụt và theo dòng Rào Cái đổ ra biển. Vì thế, lớp bùn đen dưới lòng sông tích tụ có mùi rất hôi. Vậy nhưng, nhiều năm nay, lòng sông không được nạo vét nên ô nhiễm, hôi thối là điều hiển nhiên” – anh Lê Minh (phường Văn Yên) cho hay.
|
Mặt sông đoạn gần chợ Hà Tĩnh... |
Cần nạo vét lòng sông
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sông Cụt được cải tạo từ năm 2009. Từ bấy đến nay, khúc sông này chưa một lần được nạo vét. Mới đây, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân các phường: Văn Yên, Tân Giang, Thạch Quý đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường của sông Cụt. Bởi vậy, UBND TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh tiến hành vớt rác, dọn dẹp vệ sinh dọc tuyến sông.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền, cán bộ phòng Tài chính – kế hoạch Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh cho biết: “Sông Cụt không nằm trong kế hoạch dọn dẹp, vệ sinh môi trường thường xuyên mà công ty phụ trách nên kinh phí bố trí cho hoạt động này không có. Vì vậy, chúng tôi đang làm tờ trình đề nghị UBND TP Hà Tĩnh đưa sông Cụt vào kế hoạch thường xuyên để chăm sóc vệ sinh môi trường”.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh, lớp bùn của sông Cụt nay đã dày hơn 1m. Kinh phí để phục vụ cho việc nạo vét lên đến hàng chục tỷ đồng. “Kinh phí là một chuyện, hiện tại, TP Hà Tĩnh vẫn chưa có bãi đổ bùn. Vì vậy, muốn nạo vét sông Cụt cũng chưa biết xử lý bùn như thế nào. Chúng tôi đang làm công văn, hồ sơ để xin UBND TP bố trí vị trí làm bãi đổ bùn” - chị Hoàng Thị Thu Hiền cho hay.
Thiết nghĩ, TP Hà Tĩnh cần sớm có giải pháp, bố trí nguồn lực để nạo vét đáy sông Cụt nhằm trả lại môi trường trong lành cho người dân sống xung quanh.