"Làng rác" ở Hưng Yên
Tìm về làng tái chế nhựa tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) - một trong những điểm đen ô nhiễm tại Hưng Yên, PV NTNN không khỏi ái ngại trước tình trạng hàng loạt ống khói san sát từ các cơ sở tái chế nhựa đua nhau nhả khói.
|
Làng Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) luôn trong tình trạng tràn ngập rác tái chế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Hải Đăng |
Hưng Yên vừa quyết định phê duyệt danh sách 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2017 trên địa bàn cần xử lý, khắc phục ngay hiện tượng xả thải vượt quy chuẩn. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu 13 doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường xong trước ngày 31.7.
Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên
|
Dọc hai bên làng là những đống phế liệu nằm ngổn ngang, chất cao như núi, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Không những thế, nước thải từ các cơ sở tái chế nhựa không được xử lý mà thải trực tiếp ra sông ngòi, khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng…
Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai được hình thành từ năm 1980, ban đầu chỉ có vài hộ đi mua gom phế liệu để sơ chế có thêm thu nhập; cho đến nay đã phát triển mạnh với khoảng 725 hộ sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tái chế nhựa ở làng nghề Minh Khai đã thải ra môi trường khí thải, nước thải, rác thải độc hại, tích tụ, kéo dài nhiều năm. Cũng bởi thế, làng nghề này được liệt kê vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22.4.2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo người dân sở tại, hiện cả thôn có hơn 80% số hộ làm nghề tái chế nhựa, tạo công ăn việc làm cho hơn 6.400 lao động.
Ông Lê Đức Lành - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên cho hay, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa tại làng nghề Minh Khai diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600-650 tấn/ngày. Theo đó, chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới 60-65 tấn/ngày, không được thu gom, xử lý theo quy định mà được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên đường; nước thải phát sinh không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000m3/ngày đêm…
"Bởi vậy, tình trạng ô nhiễm đang là vấn nạn đe dọa cuộc sống của nhân dân" - ông Lành khẳng định.
Cần có khu sản xuất chuyên biệt
Tại buổi thị sát làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai đầu tháng 6.2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho rằng: Ô nhiễm ở tất cả các thành phần, từ không khí đến nước thải…, do đó, UBND tỉnh Hưng Yên, trực tiếp là Sở TNMT cần thực hiện quan trắc môi trường để xác định mức độ ô nhiễm không khí tại làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai. Đồng thời, có kế hoạch thanh tra, làm rõ việc chấp hành quy hoạch trong cụm công nghiệp sau khi đã di dời các cơ sở tái chế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Thực trạng hiện nay cần sớm kiểm soát và có phương án đưa các loại hình sản xuất này ra các khu chuyên biệt để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường, nước, không khí, chất thải rắn. Đồng thời, theo Bộ trưởng, đây cũng điều kiện để kịp thời ngăn chặn các vấn đề ô nhiễm trước khi sự ô nhiễm gây ra những vấn đề về bệnh tật, ung thư đối với làng nghề như hiện nay.
Cùng với "làng rác" Minh Khai, nhiều làng nghề khác cũng đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân cư như: Làng nghề sản xuất đậu phụ Xuân Lôi, xã Đình Dù; làng nghề chế biến bóng bì Bình Lương, xã Tân Quang... Thực tế, cùng với sự phát triển nhanh chóng từ các làng nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây nguy hại trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân.
“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề là ý thức chấp hành luật về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế; nhiều hộ gia đình biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm để có lợi ích kinh tế” - ông Lành lý giải.