Tổng Cục Lâm nghiệp nhận định, hiện nay đang trong thời kỳ cao điểm về nguy cơ xảy ra cháy rừng, đặc biệt là khu vực miền Trung, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Thực tế cháy rừng đã xảy ra ở một số tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định…
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Nhiệt độ trung bình trong tháng 6 và tháng 7 năm 2017 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5oC, trong đó khu vực miền Trung phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 2-3oC.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiệt hại có thể xảy ra, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 1566/CĐ-BNN-TCLN ngày 22.2.2017 của Bộ NNPTNT về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
|
Trận cháy rừng xảy ra tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội rạng sáng ngày 6.6. Ảnh: Việt Linh |
Theo đó, các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát kỹ các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp và từng chủ rừng, bao gồm việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn. Xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.
Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn. Tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, các ngành liên quan thuộc tỉnh có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm bốn tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng, các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.
Phối hợp với cơ quan phát thanh, truyền hình và báo địa phương tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.