Dân bỗng chốc mất nhà vì sông Tiền và sông Hậu sạt lở
15:47 - 31/05/2017
(MTNT) - Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, tình trạng sạt lở đất ven bờ sông Tiền, sông Hậu đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Chính điều này cũng gây nên sự sợ hãi, lo lắng, bất an cho người dân sinh sống tại địa phương khi cuộc sống mưu sinh của họ đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.


Người dân làm nhà, mưu sinh san sát hai bên bờ sông nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có sạt lở



Đối với tỉnh An Giang, theo thống kê từ năm 2015- 2017 đã xảy ra gần 40 vụ sạt lở đất khu vực ven bờ sông. Hiện tượng này cũng khiến cho 142 căn nhà của người dân rơi xuống lòng sông chìm nghỉm cùng với nhiều tài sản khác. Ước tính thiệt hại cũng lên tới hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.


Bên cạnh đó, tổng các đoạn sông được chính quyền cảnh báo có nguy cơ chịu sự sạt lở là 51 đoạn, với tổng chiều dài khoảng 162/400 km2 đường bờ sông (chiếm 40% diện tích). Không những thế, trong số 162 km2 cảnh báo sạt lở thì có tới 15 đoạn, với chiều dài khoảng 30 km2 được đánh giá có khả năng sạt lở cao, uy hiếp tới sự an toàn của hơn 20.000 hộ dân sống trong khu vực.



Chỉ tính riêng trong tháng 4 và 5/2017, tình trạng này đã thực sự đánh lên hồi chuông báo động khi liên tiếp các vụ việc xảy ra khiến cho mức độ thiệt hại của người dân là rất lớn. Vào thời điểm những ngày gần cuối tháng 4, khi chỉ trong phút chốc, đã có 16 căn nhà của người dân trên địa bàn khu vực tổ 14, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông- huyện Chợ Mới (An Giang) bị đổ sụp xuống sông Vàm Nao; chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70 m, lấn sâu vào bờ trên 35 m, cắt đứt luôn đoạn đường giao thông liên xã. Sự việc trên đã gây thiệt hại ước tính khoảng 9 tỷ đồng.


Ngay sau đó, UBND tỉnh đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở, đồng thời nhà chức trách cũng buộc 108 hộ dân và 1 nhà máy nằm trong khu vực nói trên khẩn trương di dời cả người cùng tài sản đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương phải thiết lập ngay rào chắn nhằm đảm bảo về tính mạng cho người dân.


Tình trạng nguy hiểm kể trên cũng tiếp tục xảy ra trên địa bàn nhiều nơi của tỉnh Đồng Tháp. Tuy chưa vào mùa mưa lũ, song sạt lở cũng xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10/12 huyện, thị xã, thành phố. Gần đây, liên tục những vụ sạt lở bờ sông khiến cho các hộ dân sống ven sông Tiền chạy qua địa bàn các xã như: Long Khánh A, Long Thuận (huyện Hồng Ngự); Bình Thành (huyện Thanh Bình) đang phải nơm nớp sống trong lo sợ.



Đặc biệt, khoảng thời gian tính từ đầu tháng 4/2017 đến nay, tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành- huyện Thanh Bình đã xảy ra tới 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Chiều dài sạt lở 210 m2, diện tích sạt lở là 3.250 m2, thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng, rất may chưa xảy ra thương vong về người. Nguy hiểm hơn, đoạn cặp sông Tiền ven Quốc lộ 30, khi xảy ra tình trạng sạt lở đất đã ăn sâu vào đất liền từ 15- 20 m, làm ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân sinh sống và kết cấu hạ tầng, kho bãi của người dân. Đáng lo ngại là đoạn sạt lở ấy nằm rất gần Quốc lộ 30, điều này gây ra hậu quả rất khó lường.



Theo ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đồng Tháp: Từ năm 2005 đến nay, số điểm bị xói lở ở ven bờ sông tuy có sự tăng, giảm theo từng năm nhưng nhìn chung, xu hướng xấu đi và diện tích sạt lở thì ngày càng mở rộng. Dòng chính sông Tiền khoảng 122,9 km2 thì đã có từ 23- 101 km2 đường bờ sông bị xói lở (chiếm 20- 80%); làm mất tổng cộng 291,74 ha đất do nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại do xói lở đất, nhà cửa và quá trình di dời dân đi nơi khác an toàn hơn ước tính khoảng 320 tỷ đồng.


Theo phân tích và nhận định của những nhà khoa học, nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở như trên là do tình trạng khai thác cát tràn lan tại nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua. Hoạt động này đã làm mất đi 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu; đồng thời, còn làm hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3 m.


Do cát ở đồng bằng sông Cửu Long cần phải được lắng đọng, bồi đắp từ hàng chục năm đến cả trăm năm mới dầy lên. Vì thế, việc các tỉnh cấp phép khai thác cát nhiều và theo kiểu tràn lan như vừa qua đã khiến cho lượng bồi đắp không đủ. Thêm vào đó, quá trình nước biển lên xuống cũng kéo một phần cát trôi đi nhiều... đó là nguyên nhân chính làm gia tăng hiện tượng sạt lở bờ sông.



Sau khi liên tiếp xảy ra các hiện tượng sạt lở trên địa bàn 2 tỉnh nói trên, chính quyền các tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc giúp các hộ dân di dời nhà cửa đến những khu vực an toàn; đồng thời, cử nhân viên túc trực 24/24 theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả sạt lở tại 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp.


Hiện tại, An Giang cũng đang gấp rút xây dựng 15 cụm, tuyến dân cư tại 15 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh phải chuyển hết người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới, không để hộ dân nào phải thiếu nhà cửa.


Còn tại Đồng Tháp, mới đây, ông Nguyễn Văn Dương- Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị tới Thủ tướng chấp thuận cho triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở giai đoạn 2016- 2020 nhằm phục vụ việc di dân vùng sạt lở bờ sông, với kinh phí hơn 82 tỷ đồng.


Năm 2017, tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ tập trung mọi nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công 6 dự án trọng điểm phòng, chống sạt lở bờ sông như: Dự án kè chống xói lở giai đoạn III thành phố Sa Đéc; dự án khắc phục sạt lở bờ sông Tiền tại các xã An Hiệp (huyện Châu Thành), xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), xã Tân Dương (huyện Lai Vung)...

 

Hà Châu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn