Vùng chuối “vàng" Lai Châu bị dịch bệnh: Dân khó được hỗ trợ?
Dù đã nắm được thông tin cây chuối tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) bị bệnh, nhưng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp cụ thể giúp người dân phòng chống sâu bệnh. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật cho rằng, cây chuối không phải là cây trồng hàng năm, ngành cũng không có định hướng phát triển cây chuối nên chưa hướng dẫn bà con cách chăm sóc.
Không có tập huấn hay khuyến cáo
Làm việc với phóng viên về việc nhiều diện tích chuối ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ bị sâu bệnh, gây thiệt hại đến kinh tế của người dân, bà Trương Thị Nhàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lai Châu cho biết: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin này, nhưng cây chuối tại huyện Phong Thổ do người dân trồng tự phát, ngành nông nghiệp không có định hướng phát triển cây chuối là cây trồng hàng năm. Vì thế, không thể hỗ trợ người dân kinh phí để phòng chống dịch bệnh, cũng như hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật”.
|
Nhiều vườn chuối đã bị sâu đục thân hại, bà con phải chặt bỏ. Ảnh: V.D |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong thời gian qua Chi cục có tập huấn cho bà con cách trồng, chăm sóc chuối hay không, bà Trương Thị Nhàn viện lý do, đầu ra của cây chuối chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường không ổn định. Chuối cũng không phải cây trồng hàng năm mà ngành xác định, vì vậy chưa có một lớp tập huấn cho người dân cũng như khuyến cáo bà con kiểm soát giống chuối.
Phóng viên đã làm việc với ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu. Sau khi nắm được thông tin, ông Trừ đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Phong Thổ tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích chuối bị sâu bệnh; đánh giá tình hình sâu bệnh, khả năng phục hồi diện tích chuối bị bệnh và báo cáo lại với Hội Nông dân tỉnh để Hội báo cáo lãnh đạo tỉnh có giải pháp giúp đỡ người dân.
Hướng dẫn phòng trừ bệnh
Cũng theo các cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn, các loại sâu bệnh thường gặp hại chuối chủ yếu là sâu đục thân. Các nhà khoa học khuyến cáo, bà con không nên lấy giống ở những vườn đang bị sâu gây hại. Bên cạnh đó, cần ngâm cây giống vào dung dịch thuốc Basudin hoặc Furadan theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất để diệt sâu; sử dụng một số loại thuốc trừ sâu dạng hạt rắc vào gốc để phòng trừ như: Padan, Regell 3G...
Với những vườn đã bị sâu hại nhiều, bà con sau khi thu hoạch cần chặt bỏ sát gốc, đào bỏ hết cả phần củ rồi đưa ra khỏi vườn tiêu hủy.
|
Sâu bệnh khiến người trồng chuối tại Phong Thổ (Lai Châu) gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: V.D |
Hoa, quả thường bị các loại sâu như bọ trĩ, nhện, bộ vẽ ăn hại, ăn các phần của hoa, vỏ của quả non để lại các vết sẹo, xấu mã... Để khắc phục các loại sâu hại này, bà con cần tiến hành bao hoa, quả bằng túi PE đục lỗ.
Với tuyến trùng hại chuối, cần xử lý đất bằng các loại thuốc trừ tuyến trùng như: Marsha 5GP, Rigell 3G.
Với bệnh héo rũ Panama, bà con cần sử dụng giống chuối nuôi cấy mô hoặc lấy giống ở vườn sạch bệnh, trồng cây đảm bảo mật độ, khoảng cách. Tăng cường bón phân chuồng hoai mục được ủ với chế phẩm nấm đối kháng Tricoderma để phòng cho cây. Phun thuốc phòng bệnh bằng các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất Phosphorous, Metalaxyl, Mancozeb, Agri-Fos 400SL... Khi phát hiện khóm chuối bị bệnh cần đào bỏ cả gốc đem đi tiêu hủy, rắc vôi bột vào hố để tiêu diệt mầm bệnh...
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Lai Châu đã chỉ đạo cán bộ của Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh trên diện tích chuối để có hướng giúp người dân khắc phục; đồng thời khuyến cáo bà con không sử dụng giống ở những vườn chuối đã bị bệnh.
|