Nghệ An: Trên 3.000 ha lúa đang bị nhiễm đạo ôn
09:16 - 29/03/2017
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.005,5ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn.

Trong đó có 262,6ha bị nhiễm nặng; diện tích cháy lá trên 70% là 24,4ha. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ.

Bệnh đạo ôn đang bùng phát mạnh tại Nghệ An

Đến cuối tháng 3/2017, toàn huyện Hưng Nguyên có 720ha lúa nhiễm đạo ôn, tập trung chủ yếu ở các xã: Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Hưng Châu, Hưng Phú, Hưng Nhân, thị trấn... Trong đó có 60ha nhiễm nặng, 200ha nhiễm trung bình và 460ha nhiễm nhẹ.

Ông Lê Viết Hùng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Hưng Nguyên cho biết, đầu tháng 2, sau khi phát hiện lúa nhiễm bệnh đạo ôn, trạm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra hướng dẫn nông dân dùng các loại thuốc đặc trị để phun trừ kịp thời, không để lan ra diện rộng. Đến nay, người dân đã tổ chức phòng trừ được 550ha, trong đó 105ha đã được phun lần 2. Diện tích được phòng trừ cơ bản đã dừng phát sinh đạo ôn nhưng lại có xu hướng phát sinh nhanh trên diện tích lúa muộn đẻ nhánh rộ. Điều đáng nói, diện tích đạo ôn tại Hưng Nguyên năm nay so với cùng thời điểm này năm 2016 tuy thấp hơn nhưng lại có xu hướng tăng nhanh và xuất hiện trên tất cả giống lúa.

Kiểm tra lúa xuân ở Hưng Nguyên

“Thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 phát hiện đạo ôn trên lúa trà sớm với diện tích chỉ vài chục ha và đã được phun trừ. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 3 đến nay, nhất là sau đợt không khí lạnh, xen kẽ nắng ấm, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, cây lúa ngấm phân đạm ở thời kỳ cuối đẻ nhánh trên trà lúa muộn nên đạo ôn phát sinh rất nhanh. Đến nay, toàn huyện đã có 720ha bị nhiễm đạo ôn. Một số giống lúa như Khang dân 18, Thiên ưu 8, Hương thơm số 1… những năm trước có đặc tính kháng đạo ôn tốt trên các cánh đồng huyện Hưng Nguyên thì năm nay vẫn nhiễm”, ông Hùng cho biết.

Tại huyện Tân Kỳ, theo thống kê đến nay cũng có trên 100ha lúa bị bệnh đạo ôn lá gây hại, tập trung chủ yếu tại 7 xã là Tân An, Kỳ Sơn, Nghĩa Hành, Hương Sơn, Nghĩa Dũng, Tân Hương, Đồng Văn; tỷ lệ lá bị nhiễm phổ biến từ 5 - 7%, một số diện tích từ 30 - 40%.

Bệnh đạo ôn lá gây hại trên các giống lúa Nhị ưu 986, BTE-1, Thiên ưu 8 và một số giống nếp... Để khống chế bệnh đạo ôn lá, Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Tân Kỳ đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bà con phòng trừ.

Ngoài ra, bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác tại một số huyện như Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu…

Nông dân Nghệ An tích cực phòng trừ đạo ôn

Trước tình trạng bệnh đạo ôn trên lúa xuân có nguy cơ lan ra diện rộng, ngành nông nghiệp các địa phương đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu. Không chỉ đối mặt với đạo ôn, lúa xuân ở một số địa phương còn bị nạn chuột phát sinh, gây hại. Theo thống kê của Trạm Trồng trọt & BVTV Diễn Châu, diện tích lúa xuân bị chuột cắn phá tăng rất nhanh. Đầu tháng 3 mới có khoảng 100ha bị phá hại thì nay đã tăng lên 177,4ha. Trong đó, 19,9ha bị nặng có từ 10 - 20 số dảnh bị cắn phá, diện tích còn lại bị thiệt hại từ 3 - 7% số dảnh.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết, những mảnh ruộng sát làng, gần đường tàu, vùng cồn cao bị cắn phá nhiều nhất do chuột tập trung làm hang tại đây. Đang là mùa sinh sản, vài năm nay không có lũ lớn nên chuột sinh sôi rất nhanh. Để bảo vệ lúa xuân, các HTX ở Diễn Châu đang phát động mạnh mẽ nhân dân ra quân diệt chuột bằng các hình thức như đặt bẫy, đánh bả, đào hang. Một số xã cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm kinh phí để bà con tích cực phòng trừ chuột gây hại trên đồng ruộng.

Trong khi đó, trên các cánh đồng trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, chuột cũng phát sinh gây hại từ đầu vụ xuân đến nay. Bà con nông dân cũng đã chủ động các biện pháp tiêu diệt chuột.

Được biết, tại xã Quỳnh Vinh, trước nạn chuột hoành hành, UBND xã đã hỗ trợ bà con nông dân mỗi sào lúa là 14.000 đồng để mua các loại bả chuột vi sinh. Các thôn, xóm cũng phát động nhân dân tổ chức ra quân phát quang bờ bụi, đào hang ổ trú ẩn quanh bờ ruộng, trong các đường làng ngõ xóm.

Còn tại phường Quỳnh Xuân, ngay từ đầu vụ, tại các hội nghị, xã viên ở phường đã thống nhất, mỗi sào diện tích lúa, hộ gia đình phải diệt ít nhất được 5 con chuột. Nếu không trực tiếp diệt chuột, sẽ phải đóng góp mỗi sào 20 nghìn đồng để HTX đứng ra tổ chức đặt bả, thuê người đào hang diệt chuột.


Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn