Quảng Nam: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nước ven biển
15:40 - 29/03/2017
(MTNT)- Thời gian gần đây, vùng biển Quảng Nam có chiều dài 125 km bị ô nhiễm nặng do các sự cố tràn dầu. Nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ pH trong nước tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật... 
Môi trường nước biển có biểu hiện bị ô nhiễm (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Ở các bãi tắm Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ) và bãi Rạng (Núi Thành), các chỉ số quan trắc đều đảm bảo môi trường, ngoại trừ ô nhiễm dầu mỡ, sắt vượt giới hạn cho phép. Quan trắc một số khu vực vùng biển gần đây của ngành chức năng cho thấy, kim loại sắt và dầu mỡ khoáng tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành) có thời điểm vượt giới hạn cho phép.
 
 
Việc dầu vón cục xuất hiện ở vùng biển Quảng Nam, rồi dạt lên bãi biển rất thường xảy ra. Giữa tháng 2.2017, sự cố dầu vón cục cùng vỏ chai có in nhãn mác nước ngoài trôi dạt vào bờ biển Núi Thành kéo dài hơn 5km, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đã tổ chức thu gom và xử lý hàng chục tấn dầu vón cục, rác thải ứ đọng dạt lên bờ biển. Riêng 9 tấn rác thải gồm dầu và dầu vón cục được đưa vào lò đốt xử lý tại bãi chứa rác xã Tam Xuân 2 (Núi Thành).
 
 
Nuôi trồng thủy sản dọc sông Trường Giang, đặc biệt phong trào nuôi tôm trên cát ven biển qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình đã tàn phá môi trường nước biển. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi héc ta nuôi tôm thải ra môi trường hơn 3.000m3 nước thải/năm (tương đương tổng lượng thải toàn tỉnh mỗi năm là 6 triệu m3). Nuôi tôm lót bạt thời gian qua hầu như xả thẳng ra biển. Tại xã Tam Tiến, vào thời điểm người nuôi tôm xả nước thải ra biển, nguồn nước bốc mùi hôi, người dân và du khách không dám tắm biển. Nước biển ven bờ một số địa phương phía nam Quảng Nam đang “đổi màu” theo hướng xấu từ hệ lụy nuôi tôm ở sông Trường Giang.
 
 
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã dẫn đến việc các loài hải sản nuôi chết nhiều tại các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh. Điển hình tại khu vực sông Trường Giang, nơi tiếp giáp giữa 2 xã Tam Quang và Tam Giang, cá điêu hồng, rô phi được nuôi trong lồng bè trong thời gian gần đây đã chết hàng loạt.
 
 
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, các loài hải sản như nghêu, hàu, tu hài, tôm thẻ chân trắng được nuôi ở khu vực ven biển chết nhiều trong thời gian qua là do biến động của môi trường nướcdo xả thải chưa qua xử lý và biến đổi của thời tiết, khí hậu.
 
 
Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thừa nhận có tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu vực hạ lưu sông Trường Giang đoạn qua địa bàn các xã Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang trước khi tiếp xúc với biển. Bởi khu vực này có 3 khu công nghiệp nhưng mới chỉ có khu công nghiệp Bắc Chu Lai đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động. Qua phân tích, nguồn nước mặt tiếp nhận nước thải của 2 khu công nghiệp khác là Khu hậu cần cảng Tam Hiệp, Khu công nghiệp cơ khí ô tô Trường Hải chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bị ô nhiễm dầu mỡ và chất rắn lơ lửng ở cả hai mùa khô và mưa.
 
 
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp. Ngoài ra, cần phải có kế hoạch xây dựng các khu xử lý nước thải đô thị. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, qua đó giảm thiểu tác động xấu đến các nguồn nước mặt tiếp nhận. Cần nạo vét luồng lạch phục hồi dòng chảy cho sông và khôi phục, trồng lại hệ thống rừng ngập mặn như sú, vẹt, đước…Qua đó, góp phần xử lý chất bẩn trong môi trường nước, chống xói lở và phục hồi đa dạng sinh thái.
 

Thịnh Phát
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn