(MTNT)- Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay vẫn còn 35% hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS), trong đó 10 tỉnh có tỷ lệ NTHVS thấp dưới 50%. Ước tính vẫn còn khoảng 5 triệu người dân còn đi tiêu bừa bãi.
|
35% hộ dân nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (MTQG NSVSMT) giai đoạn 2012 – 2015, tỉ lệ NTHVS thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (57%), miền núi phía Bắc (58%), Tây Nguyên (61%). Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh có tỉ lệ NTHVS thấp nhất là Gia Lai (43%), Kon Tum (54%). Tỉ lệ bao phủ nước sạch và NTHVS trạm y tế xã đến năm 2015 trên toàn quốc chiếm 93%, trong đó thấp nhất là vùng miền núi phía Bắc 80%, Tây Nguyên 84%. Tỉ lệ trường học có nguồn nước và NTHVS toàn quốc 91%, trong đó thấp nhất là vùng Tây Nguyên 72% (riêng Gia Lai 51%).
Hội nghị khởi động Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả mới đây tại Đà Lạt đã đưa ra con số thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém gây ra tại Việt Nam là 2 triệu USD/ngày. Khoảng 1,5 triệu trẻ em thấp còi liên quan đến vệ sinh kém, hầu hết số này sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn (tỉ lệ trẻ em nông thôn thấp còi là 25%, vùng núi là 28 - 31%). Đối với trẻ dưới 5 tuổi ở các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh (kể cả khi gia đình của trẻ sử dụng NTHVS - NTHVS) sẽ thấp hơn 3,7 cm và giảm 5 - 11 điểm IQ so với trẻ cùng độ tuổi sống tại các cộng đồng sử dụng NTHVS.
Đánh giá của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, nhu cầu về vệ sinh của người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc miền núi vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ hộ gia đình có NTHVS ở vùng miền núi, vùng người dân tộc và người nghèo còn rất thấp so với trung bình cả nước.
Tình trạng sử dụng cầu tiêu ao cá không hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến ở khu vực ĐBSCL gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, gia tăng nguy cơ phát sinh dịch, bệnh. Vệ sinh kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng sức khoẻ, bệnh tật và cải thiện chiều cao của trẻ em, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, vệ sinh kém đã làm nước ta mất khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm.
Bền vững về vệ sinh và nước sạch là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đến năm 2015 và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mới đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc đi tiêu bừa bãi, đến năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có NTHVS.
Đầu tư cho vệ sinh là đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người theo cam kết của Chính phủ, đồng thời cũng là đầu tư cho sức khỏe dân tộc và thế hệ tương lai của đất nước: Mỗi giờ cứu 1 người, mỗi ngày cứu 2 trẻ dưới 5 tuổi, nâng cao tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai. Cứ đầu tư 1 USD vào cải thiện vệ sinh ở các nước chưa hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thì lợi ích thu được là 9,1 USD (lợi ích kinh tế từ vệ sinh tốt: Về sức khỏe tránh được bệnh tật 1,6%; tránh được chi tiêu cho người bệnh 0,2%; tránh được cái chết 5%; tiết kiệm được thời gian 90%; tăng được ngày làm việc, học hành, sống khỏe mạnh 3,1%). Đầu tư vào NTHVS mang lại lợi ích cho mỗi hộ gia đình từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/năm. Đầu tư cho vệ sinh là đầu tư cho môi trường sống bền vững; ngăn được 1.500 tấn phân tươi/ngày thải trực tiếp ra môi trường, nguồn nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và nước sạch là một trong những ưu tiên trong công tác phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hoá, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi. Việc lưu hành các bệnh, dịch này một phần là do chưa làm tốt công tác quản lý phân người, cụ thể là sử dụng NTHVS, chấm dứt đi tiêu bừa bãi, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi”.
Để hoàn thành các mục tiêu chấm dứt phóng uế bừa bãi (ODF) vào năm 2025, Cục Quản lý môi trường Y tế đã có nhiều kế hoạch triển khai, đồng thời nâng cao năng lực ngành y tế về thúc đẩy vệ sinh nông thôn 2016-2020. Cụ thể như Dự án vệ sinh đã xây dựng các giải pháp, thiết kế nhà tiêu giá rẻ; có chính sách ưu đãi vay vốn với lãi suất tương đối phù hợp để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với NTHVS.
Để thực hiện các mục tiêu về vệ sinh phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 730/QĐ-TTg về Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Mục tiêu đến năm 2020 có 75% hộ gia đình sử dụng NTHVS toàn xã, 30% số thôn không còn tình trạng phóng uế bừa bãi (ODF); đến năm 2025 có 90% hộ gia đình có NTHVS và 80% số thôn đạt ODF; đến năm 2030 có 100% hộ gia đình sử dụng NTHVS cho mọi người và 100% số thôn đạt ODF.
Tại nhiều địa phương đã xuấ hiện mô hình xây dựng NTHVS, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường. Điển hình như phường An Lộc (TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã thành lập mô hình “Hùn vốn xoay vòng xây NTHVS” đầu năm 2015. Phương thức hùn vốn là mỗi hộ đóng góp từ 200.000 - 400.000 đồng (tùy theo khả năng của từng tổ), mỗi tháng rút thăm 2 lần. Các thành viên trong tổ bầu ra Tổ trưởng và Thư ký để thu tiền và giám sát, nhắc nhở hộ trúng thăm tiến hành xây nhà vệ sinh ngay trong tháng. Tính đến nay đã xây NTHVS ở 213/278 hộ, tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng (bao gồm tiền đối ứng thêm của từng hộ). Bình quân mỗi tháng xây dựng được 16 NTHVS. Mô hình xây NTHVS tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là các cụ lớn tuổi, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Phấn đấu trong năm 2016, tất cả các hộ dân trong phường đều có NTHVS. |